Vì sao các công trình “sai phạm” của VEA vẫn tồn tại?

15:49 | 11/09/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Chính quyền tỉnh Bắc Ninh đã chỉ rõ các sai phạm về xây dựng tại Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cơ sở Bắc Ninh, tuy nhiên các công trình vi phạm vẫn ngang nhiên tồn tại?

Năm 2007, UBND tỉnh Bắc Ninh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư “Dự án (DA) Đầu tư xây dựng khu liên hợp khoa học - đào tạo” cho chủ đầu tư là Hội khoa học kinh tế Việt Nam (VEA). DA xây dựng cơ sở 2 của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (HUBT), có tổng vốn đầu tư khoảng 461 tỉ đồng.

Năm 2008, UBND tỉnh Bắc Ninh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (số AL644599) cho Hội Khoa học kinh tế VN (VEA) tại xã Đình Bảng, H.Từ Sơn (nay là P.Đình Bảng, TX.Từ Sơn, Bắc Ninh) với diện tích đất 199.343,4 m2 (gần 20 ha).

Mặc dù đất DA được giao không thu tiền sử dụng đất để xây dựng cơ sở vật chất giáo dục, nhưng ngay trong khuôn viên trường đã “mọc” lên 3 tòa biệt thự. Xung quanh các tòa biệt thự này còn 47 lô đất diện tích 500 m2/lô cũng được cấp cho các nhà khoa học.

Vì sao các công trình “sai phạm” của VEA vẫn tồn tại? - ảnh 1

Các công trình theo kiểu dáng biệt thự tồn tại giữa khuôn viên trường HUBT

Với giá giao dịch mỗi mét vuông đất hơn 30 triệu đồng, khu đất 20 ha trên có giá trị khoảng 6.000 tỉ đồng, riêng 50 lô biệt thự có giá khoảng 750 tỉ đồng. Theo các chuyên gia, nếu khu đất này được đấu giá, ngân sách đã có thể thu về hàng nghìn tỉ đồng, đủ xây hàng trăm cây cầu, bệnh viện, trường học cho bà con vùng cao... trong khi, tại dự án này, nhà nước cấp đất không thu bất cứ đồng nào từ tiền sử dụng đất. 

Được biết, ngày 10/6/2018, Đội trật tự - đô thị của UBND TX.Từ Sơn và P.Đình Bảng đã phát hiện và lập biên bản sai phạm khi 1 tòa biệt thự xây đến tầng 4. Tiếp đó ngày 10/7, kiểm tra 1 tòa khác xây đến tầng 2. Mặc dù tổ công tác yêu cầu VEA dừng thi công nhưng chủ đầu tư “vắng mặt” và không ký biên bản.

Ngày 26/11/2019, UBND tỉnh Bắc Ninh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với Hội Khoa học kinh tế VN (VEA). Cụ thể, VEA đã cho tổ chức thi công xây dựng tại khu B, jhu C ột số sân bóng đá, nhà tạm kiểu dáng nhà xưởng và một hạng mục công trình cao 3 tầng không phù hợp với quy hoạch chi tiết được duyệt trong giai đoạn đoạn từ năm 2010 đến năm 2012.

Ngoài ra, VEA đã tổ chức thi công xây dựng tại lô đất ký hiệu KH06, thuộc khu B 03 hạng mục công trình cao (3-4) tầng kiểu dáng biệt thự sai quy hoạch chi tiết được duyệt từ giai đoạn từ tháng 10/2018 đến nay.

Vì sao các công trình “sai phạm” của VEA vẫn tồn tại? - ảnh 2

Những công trình này liệu có phù hợp tại khuôn viên trường học?

Theo đó, chủ đầu tư phải nộp phạt 110 triệu đồng và khắc phục hậu quả là chấm dứt ngay hành vi vi phạm hành chính; Khẩn trương tổ chức lập, trình thẩm định, phê duyệt điều chỉnh các nội dung liên quan đầu tư xây dựng dự án khu liên hợp khoa học đào taọ tại phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn; Cuối cùng, VEA phải tháo dỡ công trình, phần công trình vi phạm không phù hợp với quy hoạch xây dựng được phê duyệt.

Tuy nhiên, sai phạm trên đang có dấu hiệu được “phù phép” để hợp thức hóa. Theo đó, tại cổng của 3 tòa biệt thự bỗng dưng được treo các tấm biển mới tinh là các trung tâm kinh tế thuộc VEA gồm: “Vapec Việt - Úc, Vapec Việt - Mỹ và Vapec Việt - Nga”.

Vì sao các công trình “sai phạm” của VEA vẫn tồn tại? - ảnh 3

Những biển mới bất ngờ xuất hiện tại các công trình này

Trong khi đó, tại báo cáo Sở Xây dựng gửi UBND tỉnh Bắc Ninh ngày 9/6/2020 nêu rõ, trước đây Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam đã xây dựng một số công trình sai chức năng, không phù hợp với quy hoạch được phê duyệt đã được xử phạt vi phạm hành chính theo quy định, một số công trình đã phá dỡ. Đối với một số công trình còn lại không ảnh hưởng đến chức năng sử dụng của dự án, Hội Khoa học kinh tế VN đề nghị điều chỉnh quy hoạch để hoán đổi vị trí các khu đất cho phù hợp.

Sở xây dựng đề nghị, UBND tỉnh chấp thuận chủ trương điều chỉnh quy hoạch để Hội Khoa học kinh tế VN ra soát tổng thể quy hoạch, trong đó có việc điều chỉnh hoán đổi vị trí khu đất xây dựng ký túc xá, ký hiệu KTX2 với khu đất thể dục thể thao ký hiệu TDTT2 (giáp phía tây bắc khu đất cây xang ký hiệu CX09); khu đất thể dục thể thao ký hiệu TDTT2 được hoán đổi lên vị trí khu đất cây xanh ký hiệu CX16, đồng thời chuyển vị trí khu đất cây xanh ký hiệu CX16 và một phần diện tích đất thể dục thể thao sang vị trí phía tây bắc khu đất ký túc xá ký hiệu KTX2, lập hồ sơ điều chỉnh quy hoạch trình thẩm định và phê duyệt theo quy định, tránh diều chỉnh đồ án này nhiều lần.

Như vậy, mặc dù một mặt chính quyền tỉnh Bắc Ninh đã ban hành quyết định xử phạt, yêu cầu tháo dỡ biệt thự, một mặt lại cho chủ đầu tư được phép “hợp thức hoá” các sai phạm, dẫn đến từ nhiều tháng nay nhưng cả 3 tòa biệt thự vẫn đang tồn tại một cách khó hiểu?

Hải Đăng

Xem thêm: Bất cập của hình thức đầu tư BT (Bài 3): Giật mình trước những sai phạm của Gamuda và Tasco

ĐỌC NHIỀU