Vì sao giá tôm Việt cao hơn 30-50% so với Ấn Độ, Ecuador?
Tỷ lệ nuôi thành công thấp là tác động chính khiến giá tăng cao
Theo thông tin từ CTCP Thực phẩm Sao Ta (mã: FMC), ở Ấn Độ, tôm thẻ chân trắng loại 40 con/kg giá chỉ 115.000 đồng/kg trong khi Việt Nam là 140.000 đồng/kg. Còn tôm Ecuador, loại 40 con/kg có giá 105.000 đồng/kg và loại 100 con/kg có giá chỉ 62.000 đồng/kg trong khi loại 100 con/kg của Việt Nam là 93.000-94.000 đồng/kg. Như vậy, giá tôm Việt đang hơn các đối thủ cạnh tranh tới 20-30.000 đồng/kg, tương đương 30-50%.
Dù mặt hàng này vẫn đang được các thị trường yêu thích bởi sự vượt trội về chất lượng, thế nhưng khoảng cách quá xa về giá cũng khiến tôm khó đi sâu vào các thị trường, nhất là các quốc gia có mức chi tiêu không cao cho ăn uống.
Lý giải nguyên nhân cho sự chênh lệch, đầu tiên là việc chi phí sản xuất tại Việt Nam cao hơn khá nhiều so với các đối thủ. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, chi phí sản xuất tôm tại Việt Nam dao động từ 3,5 - 4,2 USD/kg, trong khi chi phí sản xuất tôm tại Ấn Độ và Ecuador chỉ khoảng 2,7-3 USD/kg và 2,2 - 2,4 USD/kg.
Một vài yếu tố tác động đến chi phí như: Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, chi phí lao động tăng, chi phí đầu tư trang trại và thiết bị phức tạp,...
Tuy nhiên, nguyên nhân chính là tỷ lệ nuôi tôm giống thành công thấp. Người nuôi phải “nuôi đi nuôi lại” nhiều lần mới có được nguyên liệu phục vụ cho xuất khẩu.
Trao đổi với VTCNews, ông Lê Văn Quang, nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho biết: “Người nuôi tôm của chúng ta đang có suy nghĩ, cứ nuôi mật độ thật dày để năng suất đạt thật cao. Tuy nhiên, khi thả tôm mật độ dày thì tôm bị “stress”, sinh ra nhiều rủi ro và khiến tôm chết nhiều. Tỷ lệ nuôi tôm thành công ở Việt Nam chỉ đạt khoảng 40%, thất bại đến 60%. Việc này đẩy giá tôm nguyên liệu lên cao”.
Đánh giá thêm về vấn đề này, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Sao Ta cho rằng, do chất lượng tôm giống, quy trình nuôi, quy mô nuôi nhỏ lẻ đầy bất lợi, người nuôi thiếu vốn, nuôi tự phát phá vỡ quy hoạch khiến thủy lợi và các nền tảng hạ tầng khác không kịp thời đáp ứng khiến các ao nuôi không đủ nước sạch nuôi thậm chí các cơ sở nuôi còn gây nhiễm khuẩn, nhiễm bệnh chéo cho nhau,...
"Hậu quả, vừa qua nhiều khu nuôi, thậm chí vùng nuôi, bị thiệt hại hết sức trầm trọng. Hậu quả là gây âu lo, người nuôi đang chùng tay thả giống, nhà đầu tư chung tay cung ứng vật tư đầu vào cho các hộ nuôi. Hậu quả là mùa tôm mới đã diễn ra một tháng, nhưng các vùng nuôi lớn chưa thấy sinh khí từ những guồng quạt đưa nước tung trắng xóa dưới nắng sớm, báo hiệu khởi đầu cho một thương vụ mới khá an toàn như mọi năm, bây giờ các cơ sở nuôi còn chờ đợi, dù chưa biết chờ điều gì rõ ràng! Giá cả đầu ra gia tăng hay thời tiết thuận hơn hay các vật tư đầu vào cải thiện hơn…", Chủ tịch Sao Ta chia sẻ.
Bên cạnh đó, tôm Việt tập trung vào các sản phẩm đã qua chế biến, tôm giá trị gia tăng nên giá thành cao hơn Ecuador và Ấn Độ. Năm 2023, trong tổng số 5,5 tỷ USD tôm chế biến được các nước trên thế giới nhập khẩu, thì riêng Việt Nam đã chiếm đến 1,5 tỷ USD, cao nhất trong các nước xuất khẩu lớn hiện nay. Đây là lợi thế, nhưng cũng là điểm yếu khi các quốc gia khác có thể tham gia vào phân khúc này trong thời gian tới.
"Miếng bánh" thị trường sẽ ngày một gay gắt
Về khách quan, cuộc cách mạng ngành tôm ở Ecuador gây áp lực lớn vì giá bán tôm của họ quá thấp và sản lượng tôm của họ không ngừng tăng trưởng. Tôm Ấn Độ cũng rất cạnh tranh và thấp hơn giá trung bình tôm Việt. Trong khi đó, tôm Indonesia thêm lợi thế là ngành tôm họ đã chứng minh được với DOC là không nhận trợ cấp từ Chính phủ nên không bị thuế CVD.
"Sau khi có mức thuế CVD và AD chính thức, có lẽ việc phân chia lại cái bánh thị trường thêm phức tạp", ông Hồ Quốc Lực nói thêm.
Một khó khăn nữa có thể tác động đến ngành tôm được ông Lực nhắc đến là việc Mỹ công bố sẽ tăng cường việc truy xuất nguồn gốc các lô tôm ta bán vào đây theo chương trình khai báo SIMP.
"Kết quả hoạt động ngành tôm ở quý I tuy có tín hiệu lạc quan, kim ngạch xuất khẩu tăng 20% so cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, tín hiệu này chưa nói lên mức độ lạc quan trong bối cảnh chung đầy bất trắc. Tất cả trông chờ vào thiện chí của các bên trong việc xây dựng chuỗi giá trị con tôm an toàn, bền vững hơn", Chủ tịch Sao Ta nhấn mạnh.
Tôm Việt sẽ bị tác động bởi thuế chống bán phá giá tại Mỹ?
Thông tin từ VASEP, vào ngày 26/3 Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố thuế chống trợ cấp sơ bộ với tôm Việt Nam, Ấn Độ và Ecuador. Theo đó, ba trong số 4 nguồn cung tôm nuôi lớn nhất của Mỹ có thể sẽ buộc phải đặt cọc thuế chống trợ cấp (CVD) sơ bộ dao động từ 2% -196%.
Đối với tôm từ Việt Nam, yêu cầu đặt cọc sẽ là 2,84% đối với Stapimex, 196,41% đối với Thông Thuận và 2,84% đối với tất cả các nhà cung cấp Việt Nam khác.
Theo ông Hồ Quốc Lực, phía nguyên đơn từ Mỹ khởi kiện chống trợ cấp (CVD) lên ngành tôm ta vào cuối năm ngoái; và cuối tháng 3 vừa rồi, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã công bố mức thuế sơ bộ vụ kiện này là 2,84%. Mức thuế này thấp hơn so mức thuế tương ứng từ ngành tôm Ấn Độ và Ecuador nhưng lại là lực cản không nhỏ, vì lâm vào vụ kiện tranh chấp thương mại ở Mỹ là vướng vào một tình huống phức tạp và khả năng kéo dài và rủi ro vô chừng.
"Tuy nhiên, chúng ta còn chút niềm tin khi tới đây DOC qua Việt Nam phúc thẩm, nếu mức thuế này giảm dưới 2% thì vụ kiện có thể bị hủy bỏ. Nếu ngược lại, thì lối dẫn tôm Việt vào đây càng thu hẹp", ông Lực đánh giá.