Vì sao hàng loạt dự án cao tốc Bắc - Nam không có nhà đầu tư

19:59 | 07/12/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tháng 11, Bộ Giao thông Vận tải đã hủy thầu 2 trong số 8 dự án thuộc cao tốc Bắc - Nam do không tìm được nhà đầu tư.
Được biết, các dự án cao tốc Bắc - Nam này đã được Quốc hội quyết định đầu tư theo hình thức thức đối tác công tư (PPP). Hồi tháng 6, Quốc hội đã chuyển dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết sang đầu tư công. Với dự án quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu, Bộ Giao thông Vận tải đang đề xuất Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét chuyển sang sử dụng vốn ngân sách.
 
Vì sao hàng loạt dự án cao tốc Bắc - Nam không có nhà đầu tư - ảnh 1
Cao tốc La Sơn - Túy Loan sẽ kết nối với các dự án cao tốc Bắc Nam đang triển khai

Trước đó, trong tháng 4-2020, Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt kết quả sơ tuyển toàn bộ 5 dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.
 
Ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông (VARSI) cho rằng các dự án PPP có mức đầu tư lớn, đơn cử dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài 101 km, tổng mức đầu tư hơn 11.600 tỷ đồng; thời gian vay vốn kéo dài tiềm ẩn rủi ro cho các ngân hàng, nên khó vay vốn.
 
Bên cạnh đó, việc các chính sách liên quan thường xuyên thay đổi, như quy định về thuế, phí hay về quản lý, sử dụng tài sản công...., gây rủi ro cao trong quá trình đầu tư, ảnh hưởng xấu đến việc thúc đẩy đầu tư dài hạn. Nhiều dự án được nhà nước hỗ trợ vốn ngân sách song chậm giải ngân cũng khiến nhà đầu tư lo ngại.

Ngoài ra còn một số vấn đề như: nhiều dự án BOT hiện nay không được tăng giá theo lộ trình, vốn hỗ trợ của Nhà nước không đủ... khiến nhà đầu tư không mặn mà các dự án BOT mới.
 
Chưa kể khi cơ chế của phương thức đối tác công tư là các bên cùng có lợi, tạo dựng được niềm tin thì Nhà nước mới kêu gọi được thêm vốn trong dân, vốn từ nhà đầu tư nước ngoài cùng làm PPP.
 
Vì sao hàng loạt dự án cao tốc Bắc - Nam không có nhà đầu tư - ảnh 2
Công trường thi công cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45 bằng vốn đầu tư công
 
Ông Nguyễn Viết Huy, Phó vụ trưởng Đối tác công tư (PPP, Bộ Giao thông Vận tải), cho hay nguồn vốn vay ngân hàng thường chiếm 30-50% tổng vốn đầu tư các dự án BOT. Tuy nhiên hiện các doanh nghiệp khó vay vốn vì ngân hàng e ngại rủi ro từ những dự án bị giảm doanh thu thời gian qua.
 
Đại diện BIDV cho biết, tính đến nay, ngân hàng đang cấp vốn cho 43 dự án BOT giao thông với tổng dư nợ khoảng 30.000 tỷ đồng. Dù đã cấp thư cam kết cung ứng tín dụng cho các nhà đầu tư tham gia đấu thầu 5 dự án thành phần BOT cao tốc Bắc - Nam khoảng 17.450 tỷ đồng, nhưng đại diện ngân hàng này vẫn băn khoăn khi xem xét cấp vốn cho các dự án.
 
BIDV kiến nghị Bộ GTVT xử lý dứt điểm tồn tại của các dự án BOT giao thông đã triển khai, để ngân hàng thu hồi nợ và xem xét cho vay các dự án mới.
 
Tương tự, đại diện Vietinbank cũng cho biết, ngân hàng này cấp tín dụng lớn nhất cho các dự án BOT giao thông, với dư nợ hơn 52.000 tỷ đồng tại 32 dự án. Các khoản cho vay này của Vietinbank cũng gặp khó.
 
Mỹ Duyên