Vì sao MSB muốn bán đứt công ty tài chính FC COM?

10:06 | 12/08/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) đang muốn chuyển nhượng toàn bộ vốn Công ty tài chính FC COM nhằm thoái vốn khỏi mảng cho vay tiêu dùng.

Tại buổi gặp gỡ các nhà đầu tư và chuyên viên phân tích diễn ra mới đây, ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc MSB đã đưa ra những thông tin mới nhất về hoạt động chuyển nhượng của tổ chức tín dụng. 

MSB dự kiến sẽ đưa ra 2 lựa chọn cho các đối tác. 

Nếu nhà đầu tư muốn mua đứt FC COM, MSB sẵn sàng chuyển nhượng 100% vốn công ty này để bàn giao hoạt động kinh doanh.

Trường hợp nhà đầu tư muốn cùng bắt tay với ngân hàng phát triển mảng cho vay tiêu dùng, MSB sẽ bán tối đa 50% vốn. Khi đó, ngân hàng sẽ đứng vai trò cung cấp về thanh khoản, hệ thống công nghệ, tệp khách hàng… nhằm giúp công ty tài chính vận hành.

Theo thông tin từ ông Linh, hiện FC COM hiện có vốn điều lệ 500 tỷ đồng và được định giá khoảng 1.800-1.900 tỷ đồng. Trường hợp ngân hàng thoái toàn bộ vốn khỏi công ty thì MSB hy vọng có thể thu về 1.200-1.300 tỷ. 

Vì sao MSB muốn bán đứt công ty tài chính FC COM? - ảnh 1

Có lẽ lợi nhuận khiêm tốn của FC COM là một trong những lý do MSB "dứt tình" khỏi công ty thành viên này

Hiện nay đã có 2-3 đối tác đang trên bàn đàm phán với ngân hàng. Dự kiến thương vụ sẽ hoàn tất và "chốt sổ" trong năm 2022, tiến độ quá trình còn phụ thuộc vào việc cấp phép của Ngân hàng Nhà nước, ông Linh chia sẻ thêm. 

Đáng chú ý, tính đến hết năm 2020 thì tổng tài sản của FC COM ước đạt hơn 621 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 606,8 tỷ đồng, hầu như không có sự biến đổi so với những năm về trước. Dư nợ tín dụng của công ty tăng nhẹ 1,4 tỷ đồng so với năm 2019, chỉ ở mức 322 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tính đến hết ngày 31/12/2020 nợ xấu của công ty tăng mạnh lên 28,4 tỷ đồng, cao hơn 10,1 tỷ đồng năm 2019 và chiếm tới 8.83% tổng dư nợ. Trong khi vào năm 2019, FC COM chỉ ghi nhận nợ xấu đạt 3,15%. Nợ xấu tăng cao khiến công ty phải nâng trích lập dự phòng lên 36.7 tỷ đồng.

Kết thúc năm 2020, lợi nhuận của FC COM khác "bèo bọt" khi đạt mức 2,3 tỷ đồng, thấp hơn 64% so với cùng kỳ năm 2019. 

FC COM cũng từng gây chú ý khi được  Hyundai Card, công ty phát hành thẻ tín dụng của hãng chế tạo ô tô Hàn Quốc Hyundai Motor công bố sẽ mua lại 50% cổ phần vào năm 2019 với giá 49 tỷ won (tương đương 42 triệu USD). Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, thương vụ chính thức đổ bể. 

Doanh nghiệp này vốn tiền thân là Công ty Tài chính dệt may, được MSB mua lại năm 2015 và lên kế hoạch chuyển nhượng vốn cho nước ngoài từ năm 2018. Hiện công ty này đã phát triển mạng lưới trải đều khắp toàn quốc và hơn 1000 nhân viên có đầy đủ chức năng và nhiệm vụ triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Cũng trong buổi gặp gỡ, ngân hàng MSB cũng tiết lộ thêm về kế hoạch liên quan đến một số hoạt động khác. 

Dự định tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài, hiện ngân hàng chưa vội triển khai dù đang có kế hoạch xin ý kiến cổ đông dành một phần vốn cho nhà đầu tư nước ngoài, đối tác chiến lược. MSB không có cổ đông ngoại nào nắm trên 5% vốn nhưng tổng sở hữu của nhóm nhà đầu tư nước ngoài tại nhà băng hiện đã đạt gần 30% lượng vốn, sắp chạm ngưỡng sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại một tổ chức tín dụng. 

Về tăng trưởng tín dụng, ông Nguyễn Hoàng Linh cho biết chỉ số này trong nửa đầu năm 2021 đạt  10,5%, là 1 trong 3 ngân hàng có tăng trưởng cao nhất hệ thống (xếp sau Techcombank 12,6% và MBB 11%). 

Tỷ trọng cho vay bất động sản, cơ sở hạ tầng chiếm khoảng 19% tổng danh mục cho vay khách hàng doanh nghiệp, tương đương 13,9% tổng cho vay khách hàng (khoảng 12.700 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, ngân hàng này cho biết thêm cho vay mua nhà để ở hiện cũng chiếm 46,5% tổng cho vay cá nhân. Tuy vậy, phần dư nợ này không thuộc nhóm cho vay kinh doanh bất động sản với hệ số rủi ro cao.

6 tháng đầu năm 2021, MSB thông báo đã đạt 3.120 tỷ đồng lãi trước thuế nửa đầu năm nay, tăng hơn gấp đôi so với cùng thời điểm năm 2020, và là mức lãi kỷ lục ngân hàng ghi nhận được trong kỳ bán niên hàng năm. Mức lợi nhuận trên tương đương với việc ngân hàng đã đạt tới 95% mục tiêu đặt ra cả năm của ngân hàng.

H.S

Xem thêm: TP.HCM kiến nghị Bộ Xây dựng công khai dự án thế chấp ngân hàng