Vì sao Mỹ không nhanh chóng bỏ lệnh trừng phạt Triều Tiên?
Trong một thông cáo thường nhật gửi tới Quốc hội Mỹ, ông Trump viết: "Sự tồn tại và nguy cơ phổ biến các nguyên liệu phân hạch có thể được sử dụng để chế tạo vũ khí trên bán đảo Triều Tiên và các hành động cũng như chính sách của chính quyền Triều Tiên tiếp tục gây ra mối đe dọa khác thường tới an ninh quốc gia, chính sách ngoại giao và nền kinh tế Mỹ."
Ông Trump nhấn mạnh 6 sắc lệnh hành pháp mà chính quyền của ông và các chính quyền trước đây đưa ra nhằm trừng phạt Triều Tiên vì các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của nước này cần phải tiếp tục có hiệu lực thêm một năm, tính từ ngày 26/6.
Động thái này không phải xuất phát từ sự “thất thường” của ông Trump mà thực chất, trong thời điểm hiện tại, Mỹ chỉ có thể nới lỏng trừng phạt thay vì nhanh chóng bãi bỏ lệnh trừng phạt Triều Tiên.
Giới phân tích quốc tế cho rằng Mỹ không thể nhanh chóng dỡ bỏ trừng phạt, khi mà trước đó, chính sách "gây sức ép tối đa" được ông Trump liên tục tuyên bố “cứng”. Sự kiện ngày 22/6, Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố ngừng "vô hạn định" các cuộc tập trận có lựa chọn với Hàn Quốc để tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán nhằm xóa bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đã được xem là sự “xuống thang” của Mỹ.
Chỉ cần động thái nới lỏng trừng phạt, ông Trump đã đủ để cho thế giới thấy thiện chí của mình về tiến trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên - điều mà các tổng thống Mỹ tiền nhiệm không làm được.
Và cũng đủ để ông Trump thể hiện sự tương đồng nhất định về vấn đề hạt nhân Triều Tiên với Nga, trong thời điểm mà Mỹ đang khẳng định tiến tới một cuộc gặp thượng đỉnh với Nga thời gian tới.