Vì sao ông Trump nói Trung Quốc “rất nghiêm túc” tìm giải pháp đàm phán?
Trao đổi tại cuộc họp báo với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron đang ở thăm Mỹ, Tổng thống Trump cho biết trong vài ngày tới, một phái đoàn Mỹ gồm Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, Đại diện Thương mại Robert Lighthizer cùng các quan chức khác sẽ có chuyến thăm Trung Quốc để đàm phán về các vấn đề thương mại theo yêu cầu của Bắc Kinh.
Theo ông Trump, Trung Quốc "rất nghiêm túc" trong việc tìm kiếm giải pháp cho những tranh chấp thương mại hiện tại với Mỹ, và Mỹ cũng sẽ "nghiêm túc" nỗ lực giải quyết vấn đề này.
Lý do của sự thay đổi “chóng mặt” trên của ông Trump được nhìn nhận theo các khía cạnh sau:
1. Muốn chứng tỏ với thế giới: Chủ động đàm phán chính là Trung Quốc.
Tuyên bố của Tổng thống Mỹ Trump ngày 24/4 thực chất là tín hiệu Mỹ muốn “làm lành” với Trung Quốc về thương mại. Tuy nhiên, ông Trump lại nói “ngược” nhằm chứng tỏ với thế giới rằng trong xung đột thương mại Mỹ-Trung, Trung Quốc là nước chủ động tìm tới giải pháp đàm phán chứ không phải Mỹ.
Các cuộc đàm phán Mỹ-Trung thời gian tới, vì thế, có thể được tiến hành một cách “không khoa trương” để cả hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đều tự giữ thể diện cho chính mình.
2. Phù hợp thời điểm diễn ra Hội nghị mùa Xuân của IMF, WB và trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ- Triều Tiên.
Cho dù ông Trump nhiều lần thể hiện thái độ nước Mỹ muốn đứng ngoài các tổ chức quốc tế nhưng Hội nghị mùa Xuân của IMF, WB vừa diễn ra tại Mỹ đã tác động không nhỏ tới quan điểm của Tổng thống Mỹ trong quan hệ thương mại với Trung Quốc.
Tại Diễn đàn mùa Xuân, IMF đã đưa ra cảnh báo căng thẳng thương mại Mỹ-Trung có thể làm chệch hướng tăng trưởng kinh tế toàn cầu, cho dù hiện tại, nền kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng mạnh nhất 7 năm qua.
Quan chức tài chính các nước đã kêu gọi giải quyết các tranh chấp thương mại thông qua đối thoại thay vì đơn phương áp đặt các loại thuế. Bộ trưởng Kinh tế và tài chính Pháp Bruno Le Maire chỉ trích các chiến lược thương mại của Washington, đồng thời tuyên bố Pháp sẽ không bị cuốn vào một vụ tranh chấp "vô nghĩa" với Trung Quốc: "Chúng ta phải xác định lại thương mại quốc tế với Trung Quốc, thay vì chống lại Trung Quốc”.
Sức ép của IMF và WB đã khiến Tổng thống Trump phải thừa nhận Mỹ và Trung Quốc đã "có cơ hội rất tốt" để đạt được một thỏa thuận.
Hiện đang là thời điểm nhạy cảm về địa chính trị trong khu vực, khi mà Tổng thống Mỹ Donald Trump chuẩn bị có cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Căng thẳng với Trung Quốc, Mỹ sẽ chịu tác động không nhỏ cho động thái hiếm hoi “xuôi chèo mát mái” trong quan hệ Mỹ-Triều Tiên.
3. Mỹ thấy rõ toàn cầu hóa và thách thức nền tảng từ Trung Quốc là không thể xóa bỏ
Mỹ ngày càng nhận thấy rõ toàn cầu hóa là xu hướng không thể đảo ngược, ngay cả khi Mỹ và một số nước lớn khác đang phản bác mạnh mẽ tiến trình này.
Chuyên gia Mothersole của HIS Markit cho rằng: "Chúng ta đã xây dựng sự hội nhập và các chuỗi cung ứng toàn cầu trong hơn 20 năm qua. Các chuỗi cung ứng này hiện tại được gắn kết chặt chẽ. Vì vậy, sẽ rất khó khăn nếu ai đó muốn gỡ bỏ chúng".
Hơn nữa, trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, ngày 26/4, Trung Quốc khẳng định sẽ hợp tác với các thành viên khác của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhằm bảo vệ hệ thông thương mại đa phương, cũng như các quyền và lợi ích riêng.
Theo người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc, các thành viên của WTO trong đó có Liên minh châu Âu (EU), Nga và Ấn Độ sẽ cùng Trung Quốc tham gia các cuộc đối thoại trong khuôn khổ giải quyết các tranh chấp thương mại với Mỹ.
Trước bối cảnh này, Mỹ không thể cứ tiếp tục thực hiện “con bài” dựa vào WTO chống lại Trung Quốc thông qua luận điệu Trung Quốc phớt lờ quy định của WTO, ngang nhiên tạo lập các rào cản thương mại trái với thông lệ kinh tế quốc tế.
Bên cạnh đó, Mỹ không thể xóa đi thách thức nền tảng từ Trung Quốc trong quan hệ thương mại. Thực tiễn thương mại của Trung Quốc là rất cần thiết cho chương trình nghị sự của nước này. Trung Quốc sẽ không thay đổi đáng kể chương trình công nghiệp của mình trong bất kỳ trường hợp nào, giống như không thể thuyết phục Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ bỏ "Giấc mộng Trung Hoa".
“Chúng tôi có những biện pháp nhằm sẵn sàng đáp trả bất cứ hành động nào của Washington”, theo Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong ngày 26/4.
4. Thiệt hại cho doanh nghiệp Mỹ không chỉ nằm ở dự báo
John Mothersole, Giám đốc nghiên cứu các chuỗi cung ứng của HIS Markit đã thống kê một cách cụ thể những thiệt hại mà doanh nghiệp Mỹ đang gặp phải do tác động từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung thời gian qua. Trong đó, lĩnh vực năng lượng, thuế thép đang đe dọa và làm chậm lại tiến độ mà các nhà khai thác ở Mỹ đã đề ra trước đó.
Ông James M. Roberts, chuyên gia tại Quỹ Heritage nhận định chiến tranh thương mại với Trung Quốc sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ nhiều hơn những gì nước này thu được từ biện pháp đánh thuế bảo hộ bị xem là vi phạm cam kết của WTO.
Nhiều nhóm doanh nghiệp Mỹ không khỏi lo lắng sản phẩm của mình gặp khó trong khâu tiêu thụ ở nước ngoài nếu các nước khác theo chân Trung Quốc trả đũa Mỹ. Nếu chiến tranh thương mại nổ ra, chi phí sản xuất của các doanh nghiệp Mỹ sẽ gia tăng, kéo theo sự sụt giảm tính cạnh tranh trong lĩnh vực sản xuất.
Như vậy, tuyên bố Trung Quốc "rất nghiêm túc" trong việc tìm kiếm giải pháp cho những tranh chấp thương mại hiện tại với Mỹ chính là một cách “xuống thang” của ông Trump nhằm ngăn chặn những tiêu cực tức thời đối với nền kinh tế Mỹ, đặc biệt trước thời điểm diễn ra cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.