Vì sao số lượng người nhiễm `vi khuẩn ăn thịt người` ở miền Trung tăng đột biến?

14:35 | 24/11/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Chỉ trong vòng hơn 1 tháng, số bệnh nhân mắc bệnh "vi khuẩn ăn thịt người" (bệnh Whitmore) tăng đột biến. Bước đầu xác định nguyên nhân do mưa lũ kéo dài tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.
Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, từ năm 2014 đến năm 2019 có ghi nhận khoảng 83 trường hợp nhiễm "vi khuẩn ăn thịt người" (bệnh Whitmore). Từ tháng 1/2019 đến tháng tháng 9/2020 ghi nhận thêm 11 ca bệnh.
 
Tuy nhiên, từ tháng 10/2020 đến giữa tháng 11/2020 đã ghi nhận 28 ca bệnh mới. Đây là con số tăng đột biến so với các năm trước. 
 
Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, sự gia tăng đột biến các ca bệnh Whitmore chủ yếu ghi nhận ở khu vực miền Trung. Trong đó, 50% bệnh nhân đến từ các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị; 50% đến từ Thừa Thiên - Huế, với các huyện Phú Lộc, Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền, thị xã Hương Thủy.
 
Vì sao người nhiễm bệnh Whitmore tăng đột biến?
Bệnh nhân mắc bệnh "vi khuẩn ăn thịt người" tăng đột biến sau lũ lụt
 
Sau khi ghi nhận sự gia tăng đột biến này, bệnh viện Trung ương Huế đã tiến hành phân tích thống kê và nhận thấy, các ca bệnh Whitmore tại Việt Nam trong tháng 9, 10, 11 hoàn toàn giống với các nghiên cứu ở những vùng dịch bệnh khác trên thế giới.
 
Số lượng ca nhiễm bệnh Whitmore có liên quan chặt chẽ và tỷ lệ thuận với lượng mưa hàng năm. Đặc biệt sau thời điểm mưa lũ, vi khuẩn ăn thịt người phát triển nhanh chóng, xâm lấn mạnh mẽ vào cơ thể người và gây bệnh.
 
Trước đó vào chiều ngày 23/11, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị Đỗ Văn Hùng cho biết, Bệnh viện Trung ương Huế thông báo có 9 ca bệnh người Quảng Trị nhiễm Whitmore. Các ca bệnh được ghi nhận ở TP Đông Hà, các huyện Triệu Phong, Hải Lăng, Hướng Hóa, Vĩnh Linh.
 
Vì sao người nhiễm bệnh Whitmore tăng đột biến?
Hình ảnh vi khuẩn "ăn thịt người" dưới kính hiển vi
 
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị cho biết, bệnh Whitmore do trực khuẩn gram âm Burkhoderia Pseudomallei gây ra. Loại vi khuẩn này được tìm thấy trong đất, nước bẩn. Nó có thể trực tiếp đi vào cơ thể người do từ các vết thương hở, vết xước, vết loét. 
 
Khi đi vào cơ thể, loại khuẩn này gây ra các ổ áp xe tại các mô, cơ quan. Đồng thời gây nên tình trạng nhiễm trùng, sốt nhiễm trùng. 
 
Bệnh Whitmore được xem là một trong những hậu quả của đợt bão lũ kéo dài. Không chỉ ở Quảng Trị, căn bệnh này xuất hiện ở nhiều tỉnh miền Trung
 
 
Hương Quỳnh