Vì sao Việt Nam trở thành môi trường đầu tư hấp dẫn trong ngành công nghiệp điện tử?
Lịch sử ngành công nghiệp điện tử
Ngành công nghiệp điện tử bắt đầu nổi lên trong thế kỷ 20 và hiện nay là một trong những ngành công nghiệp lớn nhất trên phạm vi toàn cầu. Xã hội đương đại đang sử dụng hàng loạt các thiết bị điện tử được tạo ra trong các nhà máy tự động hoặc bán tự động đã đưa vào sản xuất trong ngành. Các sản phẩm chủ yếu được lắp ráp từ các transistor kim loại-oxit bán dẫn (MOS) và các vi mạch tích hợp, gần đây chủ yếu nhờ kỹ thuật quang khắc và thường là trên bo mạch in.
Quy mô của ngành này cộng với việc sử dụng các vật liệu độc hại cũng như sự khó khăn trong việc tái chế đã dẫn tới một loạt các vấn đề liên quan đến phế liệu điện tử. Các quy định quốc tế và chế tài về môi trường đang được phát triển với nỗ lực giải quyết các vấn đề kể trên.
Ngành công nghiệp điện tử bao gồm rất nhiều các lĩnh vực khác nhau. Lực lượng lao động trung tâm đằng sau toàn bộ ngành công nghiệp này là lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, với doanh thu hàng năm vượt trên 481 tỷ đô la Mỹ tính đến năm 2018. Mảng lớn nhất là thương mại điện tử, nó sản sinh ra hơn 29 nghìn tỷ đô la vào năm 2017. Linh kiện điện tử được sản xuất nhiều nhất là transistor hiệu ứng trường kim loại - oxit bán dẫn (MOSFET), phát minh năm 1959, vốn được coi là "giá đỡ" của ngành công nghiệp điện tử.
Ngành công nghiệp điện lực khởi đầu từ thế kỷ 19, kéo theo sự phát triển của các phát minh như kèn hát, máy phát radio, ống nghe điện thoại và truyền hình. Đèn điện tử chân không ban đầu được sử dụng cho các thiết bị điện tử, sau đó gần như hoàn toàn bị thay thế bởi các linh kiện bán dẫn như một công nghệ nền tảng trong ngành.
Hiện trạng của ngành công nghiệp điện tử Việt Nam
Theo thống kê, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam phát triển mạnh trong những năm qua để trở thành ngành công nghiệp được kỳ vọng là mũi nhọn. Số lượng các doanh nghiệp tăng nhanh từ 256 lên 1.021 doanh nghiệp (giai đoạn 2005 - 2014). Bên cạnh đó, số lượng việc làm trong ngành công nghiệp điện tử tăng 7 lần trong vòng 8 năm, từ 46.000 lao động năm 2005 lên 327.000 lao động và khoảng 500.000 lao động năm 2016. Đặc biệt một vài năm trở lại đây, ngành CNĐT có bước phát triển vượt bậc, trở thành điểm đến của nhiều doanh nghiệp FDI như Samsung, LG, Intel,…. Từ năm 2015, Việt Nam là nước xuất khẩu điện tử lớn thứ 12 trên thế giới và lớn thứ 3 trong khối ASEAN. Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu điện tử của Việt Nam dự kiến vượt ngưỡng 70 tỷ USD.
Thế nhưng, việc sản xuất ra sản phẩm điện tử của Việt Nam không quan trọng bằng việc xem xét tỷ trọng đóng góp của doanh nghiệp nội địa trong giá trị sản xuất công nghiệp của ngành điện tử Việt Nam, thì hoàn toàn không khó để nhận thấy, hầu hết các sản phẩm trên thị trường điện tử đều là hàng nhập khẩu nguyên chiếc hoặc lắp ráp bằng các linh kiện nhập khẩu. Các doanh nghiệp trong nước chỉ mới tham gia khâu hoàn thiện các sản phẩm bao bì, sách hướng dẫn, linh kiện nhựa mà chưa làm được các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Số doanh nghiệp sản xuất linh kiện chỉ chiếm khoảng 52,28%.
Với khách hàng Hàn Quốc như Samsung hay LG, các doanh nghiệp Việt chỉ có thể ký hợp đồng với nhà thầu phụ nên thường không có được kế hoạch làm việc dài hạn mà chỉ theo từng đơn hàng. Vì thế, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI trong ngành công nghiệp điện tử, song nước ta cũng đang vấp phải không ít thách thức như công nghiệp điện tử mới dừng ở mức độ gia công, doanh nghiệp điện tử trong nước chưa tham gia nhiều trong chuỗi cung ứng hàng điện tử. Việt Nam có thể mất đi cơ hội vàng để chen chân vào chuỗi giá trị của ngành hàng hết sức tiềm năng này hoặc mãi không ra khỏi vòng xoáy ít lợi nhuận nhất trong chuỗi giá trị khi mà có đến 95% kim ngạch xuất khẩu hàng điện tử có nguồn gốc từ các công ty nước ngoài tại Việt Nam, vai trò của doanh nghiệp trong nước rất mờ nhạt.
Để tìm ra giải pháp, trước hết cần khắc phục sự chậm trễ trong thực thi chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ. Tiếp đến giải cho được bài toán thiếu hụt lớn về nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất ngành điện tử, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử. Cần tập trung nghiên cứu, xây dựng các dự án cấp quốc gia nhằm xác định rõ chiến lược phát triển của ngành; trong đó, chú trọng tới việc xác định sản phẩm cốt lõi, có sức đột phá để thúc đẩy ngành điện tử phát triển nhanh và hiệu quả hơn. Mỗi doanh nghiệp cũng cần xác định phân khúc sản phẩm và khách hàng phù hợp cũng như tính đến khả năng đón lõng xu hướng tiêu dùng và phát triển công nghệ chung của thế giới...
Tới đây, Bộ Công Thương sẽ đưa ra thêm những giải pháp đẩy mạnh sự liên kết, xúc tiến thương mại, đầu tư giữa doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp FDI cũng như nâng cao trình độ về sản xuất, kỹ thuật của doanh nghiệp Việt.
Tiềm năng phát triển ngành công nghiệp điện tử Việt Nam
Việt Nam trong vài năm gần đây đã thực hiện một số hiệp định thương mại với các nước và các chính sách linh hoạt để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, cho rằng điều này đã mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nhân vì ngành công nghiệp này đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam.
Việt Nam được đánh giá là một trong những nước xuất khẩu điện tử chủ lực, xếp thứ 12 trên thế giới. Xuất khẩu tăng ổn định với mức tăng trung bình 12 tỷ USD/năm, từ 47,3 tỷ USD lên 96,9 tỷ USD vào năm 2019. Từ năm 2015-2019, nhập khẩu các mặt hàng điện tử tăng gần 2 lần. Việt Nam có ngành công nghiệp điện tử đa dạng từ điện thoại di động, tivi, camera, thiết bị điện, mạch tích hợp điện tử…
Với Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sẽ giúp giảm thuế quan thương mại và thúc đẩy nền kinh tế của Việt Nam, giúp hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, Việt Nam đã ký hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU) và hiệp định này sẽ giảm dần hầu hết các loại thuế quan, hàng rào quy định và các rào cản để tạo cơ hội kinh doanh cho cả hai bên.
Đợt bùng phát dịch COVID-19 tại Việt Nam đã khiến xã hội phải thực hiện giãn cách, hạn chế và làm gián đoạn chuỗi cung ứng và khiến các doanh nghiệp phải đóng cửa. Bất chấp các tác động tiêu cực đối với nền kinh tế Việt Nam, nhiều nhà đầu tư nước ngoài chọn Việt Nam là điểm đến hàng đầu để thiết lập các nhà máy sản xuất điện tử.
Theo báo cáo gần đây của Fitch Solutions, ngành công nghiệp điện tử tiêu dùng của Việt Nam sẽ tăng trong năm 2021 nhờ “triển khai tiêm chủng vaccine toàn cầu và nhu cầu đối với các ngành xuất khẩu chủ lực tăng mạnh”. Ngành công nghiệp này sẽ tiếp tục tăng tốc nhờ "sức mua, nhân khẩu học và xu hướng hiện đại hóa kinh tế, vốn giúp Việt Nam trở thành một trong những điểm đến triển vọng trong khu vực khi các nhà cung ứng bắt đầu khai thác tầng lớp trung lưu ngày càng tăng và dòng người mua lần đầu".
Với những diễn biến quan trọng gần đây của ngành công nghiệp điện tử, Việt Nam là trung tâm sản xuất điện tử quan trọng trong khu vực, qua đó thu hút các nhà đầu tư và doanh nhân nên không bao giờ là quá muộn để tận dụng tối đa thị trường tiềm năng của Việt Nam.
Nguyễn Thuấn (T/h)