Vị tỷ phú kì lạ, dành cả đời kiếm tiền vì một mục tiêu duy nhất: PHÁ SẢN
Chuck Feeney xuất thân trong một gia đình thuộc tầng lớp lao động ở New Jersey, Hoa Kỳ. Cháu trai người Mỹ gốc Ireland của những người nhập cư này đã tích lũy được tài sản của mình sau khi đồng sáng lập đế chế mua sắm miễn thuế, Duty Free Shoppers. Dù giàu có nhưng ông không sở hữu ô tô, chỉ thuê một căn hộ nhỏ, ngồi máy bay hạng phổ thông và chỉ sở hữu một đôi giày. Ông thậm chí còn ở căn hộ của con gái mình khi ở New York.
Chân dung tỷ phú Chuck Feeney
Thay vì tự làm hài lòng bản thân, Feeney đã bí mật thành lập quỹ mang tên "The Atlantic Philanthropies" vào năm 1982 và chuyển gần như toàn bộ tài sản của mình vào đó. Ông đã đóng góp vô số cho các tổ chức từ thiện và các trường đại học trên khắp thế giới trong suốt 38 năm.
Ở tuổi 89, ông cuối cùng đã hết tiền và đạt được mục tiêu "phấn đấu cho con số 0... cho đi tất cả". Feeney có thiên hướng rất quyết đoán, ngay cả khi tài trợ cho các tổ chức giáo dục, y tế và từ thiện khổng lồ trên khắp Hoa Kỳ và Ireland. Năm 2012, Forbes thậm chí còn tuyên bố rằng Feeney là "người đàn ông làm được nhiều thứ cho Ireland hơn bất kỳ ai kể từ sau Thánh Patrick."
Feeney luôn rất kin tiếng về công việc từ thiện của mình. Công việc của ông chỉ được "đưa ra ánh sáng" khi nhà báo Conor O’Cleary viết tiểu sử của ông với mục tiêu quảng bá hành động "cho đi khi còn sống" với những người giàu có khác.
Sự vị tha của Feeney đã khiến các tỷ phú công nghệ khác kinh ngạc, tất cả đều ca ngợi ông như một hình mẫu đẹp. Bill Gates đã nói rằng Feeney là nguồn cảm hứng đằng sau cả Quỹ Bill & Melinda Gates trị giá 30 tỷ USD và cả Giving While Living Pledge, tổ chức đã thu hút hơn 90 người giàu nhất thế giới ủng hộ tài sản của họ cho tổ chức từ thiện.
Oechsli, người đã làm việc cho Feeney hơn 30 năm, nói với tờ The Guardian rằng sếp của ông, Feeney thực ra cũng đã từng cố gắng sống một cuộc sống xa hoa, nhưng điều đó không thực sự phù hợp với ông. "Anh ấy có những nơi (nhà) đẹp và những thứ tốt đẹp. Anh ấy đã thử chúng, nhưng chúng không dành cho anh ấy", Oeschsli nói. "Anh ấy không sở hữu một nơi ở, không sở hữu một chiếc xe hơi. Những câu chuyện về sự tiết kiệm của anh ấy là có thật: anh ấy có một chiếc đồng hồ Casio trị giá 10 đô la và mang theo giấy tờ của mình trong một chiếc túi nhựa. Đó là anh ấy. Đó là điều anh ấy cảm thấy thoải mái và đó, thực sự là con người của Chuck."
Là một nhà từ thiện đích thực, Feeney cũng được biết đến là người kêu gọi những người có khối tài sản kếch xù đóng góp cho cộng đồng. Ông sẽ vò đầu bứt tai khi nhìn thấy những người sở hữu nhiều du thuyền. "Tôi sẽ làm gì với nó (tất cả số tiền)?" Feeney nói. "Nhiều người giàu có ngày nay, họ có (nhiều) tiền đến mức họ sẽ không thể tiêu hết."
Đối với khoản tiền ước tính 8 tỷ đô la, Feeney đã bỏ ra hơn 3,7 tỷ đô la cũng cấp cho các cơ sở giáo dục đại học, bao gồm gần 1 tỷ đô la cho Đại học Cornell, nơi ông học quản trị khách sạn miễn phí theo dự luật GI sau khi phục vụ với tư cách là nhân viên vô tuyến của Lực lượng Không quân Hoa Kỳ trong thời gian chiến tranh Triều Tiên. Feeney cũng đã quyên góp 870 triệu đô la cho các nhóm nhân quyền, bao gồm 62 triệu đô la tài trợ cho các nhóm vận động chấm dứt án tử hình ở Hoa Kỳ và 76 triệu đô la cho các chiến dịch cấp cơ sở thông qua Obamacare.
Feeney cho biết ông hy vọng sẽ có thêm nhiều tỷ phú noi gương mình và sử dụng tiền của họ để giúp giải quyết các vấn đề lớn nhất của thế giới. "Tôi luôn đồng cảm với những người gặp khó khăn trong cuộc sống," Feeney nói với RTE của Ireland vào năm 2010. "Thế giới này đầy rẫy những người không đủ ăn."
Tỷ phú Chuck Feeney đã từng sang Việt Nam
Khi ký vào giấy tờ để chính thức giải thể quỹ (hiện đã phá sản) của mình, Feeney cho biết ông rất hài lòng với việc "hoàn thành việc này khi vẫn còn sống". Ông kêu gọi những thành viên thuộc tầng lớp thượng lưu khác không nên đợi đến khi qua đời rồi mới được trải nghiệm niềm vui và hạnh phúc khi cho đi vận may của mình.
Dù là tỷ phú hay không, ai cũng có thể nhận ra điều gì đó từ những câu nói khôn ngoan của Feeney: "Sự giàu có mang lại trách nhiệm. Con người phải tự xác định sứ mệnh của mình, hoặc là cảm thấy có trách nhiệm trong việc sử dụng một phần tài sản của mình để cải thiện cuộc sống của đồng loại, hoặc là tạo ra những vấn đề nan giải cho thế hệ tương lai!".
Xem thêm: Bí quyết thành công của tỷ phú tự thân trẻ nhất thế giới: 26 tuổi sở hữu khối tài sản 2,4 tỷ USD
Theo Doanh nghiệp và tiếp thị