Viễn cảnh "cú sốc tài chính" một khi thương mại Nga - Đức rạn nứt
Chiến sự Ukraine sẽ tái định hình thương mại toàn cầu
Mỹ và hàng loạt đồng minh phương Tây của Mỹ bao gồm Nhật Bản, Canada đã áp hàng loạt lệnh trừng phạt nhằm vào Nga sau khi Tổng thống Nga Putin hôm 24/2 tuyên bố mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.
40% nguồn cung khí đốt của Liên minh châu Âu (EU) đến từ Nga, và 1/4 trong số đó được vận chuyển đến khối này thông qua các đường ống khí đốt chảy qua Ukraine. Riêng Đức nhận được khoảng một nửa lượng khí đốt tự nhiên từ Nga.
Tuy nhiên gần đây, EU cho biết đang xem xét cấm nhập khẩu dầu từ Nga, đồng thời cam kết cắt giảm 2/3 sự phụ thuộc vào khí đốt của nước này.
Ở chiều ngược lại, Nga khẳng định sẽ yêu cầu các quốc gia “không thân thiện” phải mua khí đốt nước này bằng đồng ruble. Các quốc gia “không thân thiện” hàm ý những quốc gia đã tham gia vào các biện pháp trừng phạt kinh tế nặng nề nhằm vào Nga.
Theo ông Paul Gruenwald, chuyên gia kinh tế trưởng của S&P Global , các biện pháp như vậy sẽ dẫn đến những tác động kinh tế to lớn. “Chúng ta có khu phức hợp năng lượng, giá cả hàng hóa, nguyên liệu đầu vào công nghiệp mà châu Âu phải nhập khẩu, chẳng hạn niken, titan…”, ông Gruenwald đề cập đến những lĩnh vực biến động và chịu tác động do các lệnh trừng phạt và trả đũa từ Nga.
Công ty nghiên cứu và tư vấn Wood Mackenzie cũng cảnh báo rằng nền kinh tế toàn cầu có thể trải qua “những thay đổi trong dài hạn”, cả trong thương mại toàn cầu do cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Giám đốc nghiên cứu Peter Martin của Wood Mackenzie cho hay tác động từ chiến sự Ukraine có thể “dẫn đến một cuộc tái định hình thương mại toàn cầu một cách lâu dài. Nền kinh tế toàn cầu có xu hướng khu vực hóa hơn, với chuỗi cung ứng ngắn hơn và các đối tác thương mại tin cậy hơn”.
Nguy cơ thương mại Nga - Đức rạn nứt và lời cảnh báo "nóng"
Riêng trong trường hợp quan hệ thương mại của Nga và Đức, chuyên gia kinh tế Gruenwald cho rằng sự rạn nứt thương mại song phương có thể dẫn đến ảnh hưởng nặng nề với ngành sản xuất của Đức, một trong ba trung tâm sản xuất toàn cầu bên cạnh Mỹ và Trung Quốc.
“Tất cả những điều này sẽ dẫn đến tăng trưởng GDP giảm tốc, lượng việc làm tạo ra trong nền kinh tế thấp hơn, niềm tin kinh doanh suy yếu… và cuối cùng là một cú sốc tài chính vĩ mô”, ông Gruenwald cảnh báo.
Thương mại song phương giữa Nga và Đức đã tăng đáng kể trong năm 2021 so với năm 2020. Nga hiện là thị trường đóng góp 2,3% tổng kim ngạch ngoại thương của Đức và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 4 của Đức bên ngoài EU trong năm 2021.
Theo Văn phòng Thống kê Liên bang Đức, riêng giá trị thương mại hàng hóa song phương đã tăng 34,1% lên 59,8 tỷ euro (65 tỷ USD). Trong đó, nhập khẩu của Đức từ thị trường Nga năm 2021 tăng 54,2% so với năm 2020. Xuất khẩu sang Nga cũng tăng nhưng với tốc độ chậm hơn, tăng 15,4%.
Các sản phẩm chính mà Đức xuất khẩu sang Nga bao gồm xe cộ, máy móc, xe kéo và các sản phẩm hóa chất… Ngược lại, các mặt hàng chính mà Đức nhập khẩu từ Nga là dầu thô, khí đốt, kim loại, than đá…
“Cho dù Đức ngừng mua khí đốt của Nga hay ngược lại, Nga cắt dòng khí đốt sang Đức, thì đây không chỉ đơn giản là câu chuyện khí đốt. Hãy nghĩ đến một kịch bản suy thoái”, ông Paul Gruenwald, chuyên gia kinh tế trưởng của S&P Global cho hay.