Việt Nam đã tiêm chủng vaccine COVID-19 cho hơn 1 vạn người

09:30 | 14/03/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tính đến chiều ngày 13/3, đã có thêm 4.793 người được tiêm chủng vaccine COVID-19, như vậy tổng số người được tiêm vaccine ở Việt Nam đến nay là 10.041 người.
Theo thông tin từ Chương trình Tiêm chủng Mở rộng quốc gia (TCMR), tính tới hết ngày 13/3, Việt Nam có thêm 4.793 người được tiêm chủng an toàn vaccine phòng COVID-19, nâng tổng số người đã được tiêm tại Việt Nam lên 10.041 người.
 
Những người được tiêm là các cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, nhân viên y tế thực hiện nhiệm vụ lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng.
 
Việt Nam đã tiêm chủng vaccine COVID-19 cho hơn 1 vạn người
 
Vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca được Việt Nam sử dụng để tiêm chủng
 
Đến nay đã có 12 tỉnh, thành phố thực hiện tiêm chủng vaccine COVID-19, trong đó Hải Dương là tỉnh có số người được tiêm vaccine cao nhất với 6.287 cán bộ, nhân viên y tế. Các tỉnh còn lại gồm: Hà Nội (163), Hưng Yên (840), Bắc Ninh (312), Bắc Giang (823), Hải Phòng (205), TP.HCM (774), Gia Lai (200), Long An (193), Đà Nẵng (117), Hòa Bình (32), Khánh Hòa (95).
 
Dự kiến trong tuần tới sẽ có thêm 3 tỉnh tổ chức tiêm vaccine COVID-19 là Quảng Ninh, Điện Biên, Đồng Tháp.
 
Một số cơ sở y tế tạm ngừng trong 2 ngày nghỉ cuối tuần và tiếp tục triển khai tiêm chủng vào đầu tuần tới.
 
Tỉnh Hải Dương đang ưu tiên triển khai tại 6 địa điểm gồm thành phố Hải Dương và các huyện Cẩm Giàng, Chí Linh, Nam Sách, Kinh Môn, Nam Thành. Các huyện còn lại sẽ triển khai từ ngày 17/3.
 
Trong ngày 13/3, Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia không ghi nhận trường hợp nào phản ứng nặng sau tiêm vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca.
 
Đối với một số người khác có phản ứng sau tiêm thông thường. Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) đã có công điện yêu cầu các sở y tế khẩn trương xác minh thông tin, tổ chức họp hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá tai biến vaccine sau tiêm chủng. Qua đó, kết luận nguyên nhân các trường hợp tai biến nặng và triển khai hoạt động theo quy định.
 
Các địa phương yêu cầu người đi tiêm chủng thông báo đầy đủ tình trạng sức khỏe và tiền sử tiêm chủng cho cán bộ y tế (bệnh nền, bệnh cấp tính mắc và sử dụng thuốc trong thời gian gần đây, lưu ý các trường hợp có tiền sử dị ứng).
 
Các biểu hiện về sức khỏe được theo dõi chặt chẽ và báo cáo đầy đủ hằng ngày cho thấy công tác triển khai được thực hiện tốt, hệ thống giám sát phản ứng sau tiêm chủng hoạt động tích cực và vaccine tiếp tục được triển khai an toàn.
 
H.A