Việt Nam đang nghiên cứu công nhận lẫn nhau “hộ chiếu vaccine” nhằm sớm đưa nền kinh tế trở lại

15:17 | 17/08/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Đây là nội dung đáng chú ý dự thảo Nghị quyết hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025 đươc Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và đầu tư phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện.

Cụ thể, vấn đề hộ chiếu vaccine nằm trong mục 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn về lao động, chuyên gia. 

Dự thảo nêu rõ: 

Một số vướng mắc hiện nay được doanh nghiệp phản ánh nổi lên là vấn đề cấp, gia hạn giấy phép lao động cho chuyên gia nước ngoài làm việc cho doanh nghiệp; thời gian làm thêm giờ; quy trình về cách ly y tế để các địa phương tiếp nhận lao động đến và trở về. Đây là những kiến nghị xác đáng và hợp lý, nên dự thảo Nghị quyết quy định giao các Bộ, ngành liên quan và địa phương nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung các quy định theo hướng áp dụng linh hoạt các quy định, điều kiện phù hợp với bối cảnh mới.

Hiện nay, việc đảm bảo nguồn cung vaccine, kịp thời tổ chức tiêm chủng cho người lao động và người dân là hết sức quan trọng nên dự thảo Nghị quyết giao Bộ Ngoại giao cần đẩy mạnh “ngoại giao vaccine”; vận động, thúc đẩy đối tác, cung cấp vaccine đúng cam kết; thúc đẩy chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine và thuốc điều trị COVID-19; hỗ trợ trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế; đồng thời nghiên cứu công nhận lẫn nhau “hộ chiếu vaccine” với các quốc gia, vùng lãnh thổ cũng cần được đẩy nhanh nhằm sớm mở cửa nền kinh tế khi điều kiện cho phép.

Việt Nam đang nghiên cứu công nhận lẫn nhau “hộ chiếu vaccine” nhằm sớm đưa nền kinh tế trở lại - ảnh 1

Ảnh minh họa

Được biết, dự thảo ra đời trước hoàn cảnh tình hình dịch bệnh trên nước diễn biến phức tạp do biến chủng mới, tốc độ lây lan nhanh. Các đợt dịch bùng phát khiến cho các doanh nghiệp vốn đã bị tổn thương lại càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Các nguồn lực dự trữ đang cạn dần trong khi thị trường trong nước và quốc tế giảm mạnh và chưa có dấu hiệu phục hồi hoặc đang phục hồi rất chậm. Sức chống chịu của khu vực doanh nghiệp tiếp tục suy giảm.

Chính vì vậy, cần có các chính sách, giải pháp nhanh, mạnh và kịp thời để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, tiếp sức cho doanh nghiệp ổn định, duy trì sản xuất kinh doanh và việc làm cho người lao động.

Và những giải pháp liên quan đến vaccine được coi là yếu tố chính giúp doanh nghiệp được phục hồi, qua đó sớm mở cửa trở lại nền kinh tế. 

Trên thực tế, hiện tại Phú Quốc đang xây dựng lộ trình thí điểm hộ chiếu vaccine để đón khách du lịch đến Phú Quốc vào đầu tháng 10 tới. Tuy nhiên, hiện tại vẫn phải chờ nguồn vaccine phân phối về tỉnh để tiến hành tiêm đợt 1 cho toàn bộ người dân nên kế hoạch vẫn chưa triển khai được. 

Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng phương pháp này như một cách mở cửa để người dân đi lại dễ dàng hơn. 

Tại Anh, bắt đầu từ tháng 9 người dân sẽ phải đưa ra bằng chứng tiêm chủng bằng cách sử dụng ứng dụng Covid Pass của Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS). Covid Pass sẽ cho phép những người trưởng thành đã tiêm vắc-xin đầy đủ không phải cách ly khi trở về từ hầu hết các quốc gia trong danh sách hổ phách trừ Pháp (những quốc gia mà người Anh khi đi và trở về không phải cách ly). 

Liên Minh châu Âu EU cho phép những ai có hộ chiếu vaccine - một loại giấy chứng nhận đã tiêm chủng hoặc xét nghiệm âm tính, hoặc đã phục hồi với COVID miễn làm xét nghiệm hay cách ly khi đi qua biên giới bên trong khối EU. Loại giấy tờ này áp dụng ở tất cả 27 quốc gia thành viên của khối, cộng thêm Thụy Sĩ, Iceland, Na Uy và Liechtenstein. 

Tại Mỹ, phiếu tiêm vaccine đang trên đường trở thành "giấy lận lưng" khi nhiều thành phố và các bang như Cafornia, New York ở quốc gia này yêu cầu người dân cung cấp bằng chứng đã tiêm vắc xin COVID-19 (chẳng hạn phiếu giấy do Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ cấp khi tiêm vaccine) để được dạy học, làm việc tại bệnh viện, đi xem hòa nhạc hay ăn uống trong nhà hàng.

Trong khi đó, ở Trung Quốc thì chính quyền nước này đã đưa ra nhiều biện pháp để phân loại người dân như mã QR, giấy chứng nhận y tế kỹ thuật số, cho thấy tình trạng tiêm vaccine và kết quả xét nghiệm của người cầm thẻ. Giấy chứng nhận này được cấp cho cả người Trung Quốc lẫn người nước ngoài tại đây.

 H.S (t/h)

Xem thêm: Cảnh sát Ý phá đường dây bán hộ chiếu vaccine giả trên 'dark web'