Việt Nam đang thay thế Trung Quốc trở thành trung tâm sản xuất trong chuỗi cung ứng giá rẻ

11:56 | 16/01/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Báo cáo công bố ngày 14-1 của Đơn vị phân tích kinh tế (EIU) thuộc tạp chí The Economist cho thấy Việt Nam đang vươn lên nhanh chóng, trở thành trung tâm sản xuất thay thế Trung Quốc trong chuỗi cung ứng giá rẻ.
Theo EIU, lý do khiến Việt Nam trở thành điểm hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở châu Á không còn chỉ là nguồn lao động giá rẻ như những năm trước đây.
 
Việc ngày càng có nhiều nước và khu vực ký kết hiệp định thương mại tự do với Việt Nam là một trong các nguyên nhân chính. Thêm vào đó, theo EIU, Việt Nam có nhiều chính sách khuyến khích các doanh nghiệp quốc tế thành lập các đơn vị sản xuất sản phẩm công nghệ cao.
 
Tờ Financial Express của Ấn Độ cũng nhận xét Việt Nam đã nổi lên như một trung tâm sản xuất chi phí thấp, đánh bại Ấn Độ và thậm chí cả Trung Quốc về các chỉ số, bao gồm chính sách FDI, chính sách ngoại thương và kiểm soát hối đoái.
 
Cụ thể, trong khi Việt Nam đạt điểm 6 trên thang điểm 10 trong chính sách FDI, thì cả Ấn Độ và Trung Quốc đều đạt 5,5 điểm. Trong chính sách ngoại thương và kiểm soát hối đoái, Việt Nam nhận được 7,3/10 điểm, trong khi Trung Quốc chỉ được 6,4 điểm, còn Ấn Độ là 5,5 điểm.
 
Việt Nam thay thế Trung Quốc trở thành trung tâm sản xuất
Nhà máy của Samsung tại Việt Nam 
 
Về nguồn lao động, Trung Quốc vẫn được đánh giá cao hơn Việt Nam nhưng chênh lệch không nhiều, với 5,7 điểm so với 5,6 điểm.
 
Báo cáo của EIU mang tính khuyến nghị đến các nhà đầu tư quốc tế nên theo Financial Express, những đánh giá tích cực trong báo cáo sẽ biến Việt Nam thành điểm tới hấp dẫn trong tương lai.
 
Tuy nhiên, EIU cũng lưu ý bất lợi lớn nhất của Việt Nam là thiếu liên kết trong chuỗi cung ứng địa phương và lao động có trình độ cao cho các ngành sản xuất tiên tiến.
 
Khi so sánh giữa các nước trong khu vực Đông Nam Á, tạp chí Nikkei Asia cũng nhận xét Việt Nam đang trỗi dậy mạnh mẽ so với Thái Lan, vốn là nơi đặt nhà máy của nhiều tập đoàn Nhật Bản.
 
Trong bài viết ngày 14-1, tờ này nhận xét đang có một làn sóng dịch chuyển nhà máy từ Thái Lan sang Việt Nam trong một năm trở lại đây. Một trong các lý do là nguồn lao động giá rẻ và tiềm năng tăng trưởng vẫn còn lớn.
 
"Thái Lan bắt đầu trở thành 'công xưởng châu Á' thập niên 1980, trong khi các nhà sản xuất chỉ mới bắt đầu xây dựng nhà máy ở Việt Nam năm 2007 khi nước này gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới. Nhưng Việt Nam đã vượt Thái Lan về FDI vào năm 2014 và giá trị xuất khẩu vào năm 2018", tờ Nikkei Asia dẫn chứng.
 
Theo Tuổi trẻ