Việt Nam đặt mục tiêu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70% vào năm 2025
Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đề ra mục tiêu tuyển khoảng 19,8 triệu người học nghề ở các bậc trình độ, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo ở nước ta đạt khoảng 70% vào năm 2025.
Giai đoạn 2021-2025, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đề ra mục tiêu tuyển khoảng 19,8 triệu người học nghề ở các bậc trình độ, trong đó có 3,2 triệu người học nghề trình độ trung cấp, cao đẳng.
Sau khi hoàn thành các khóa đào tạo nghề, các đơn vị chức năng và địa phương bảo đảm giải quyết việc làm cho ít nhất 85% số người tham gia học nghề, qua đó góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo ở nước ta đạt khoảng 70% vào năm 2025.
Đặt mục tiêu nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70% vào năm 2025
Nhằm đạt mục tiêu nêu trên, các bên liên quan tiếp tục củng cố, sắp xếp hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và nhu cầu học nghề của từng nhóm đối tượng. Công tác đào tạo nghề lấy người học làm trung tâm, gắn liền với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và thị trường. Ngoài ra, đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp được quan tâm nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề, đủ khả năng tiếp thu những kiến thức nghề nghiệp mới để truyền thụ cho học trò.
Việt Nam đang ở trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng nhưng chất lượng nguồn nhân lực vẫn còn hạn chế với tỉ lệ lao động đã được đào tạo có bằng, chứng chỉ thấp, chỉ đạt 23,1%. Việt Nam có thị trường lao động rộng lớn nhưng chất lượng lao động chưa cao, người lao động làm việc trong các nghề đòi hỏi trình độ kỹ năng cao chỉ chiếm tỉ trọng nhỏ, khoảng 11% lao động có trình độ cao; lao động phổ thông và lao động giản đơn chiếm tỉ trọng lớn.
Theo từ Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là CMCN 4.0 làm thay đổi tư duy hiện tại về nghề nghiệp. Nhân công của một số ngành nghề sẽ được thay thế bởi các thiết bị tự động hóa song cũng sẽ xuất hiện những ngành nghề mới chưa từng có…Do đó, đòi hỏi người lao động phải thường xuyên cập nhật kiến thức để có kỹ năng thích ứng với sự thay đổi.
Theo đó, hệ thống đào tạo cũng phải có năng lực tiếp cận, linh hoạt trong tổ chức đào tạo để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Mỗi quốc gia đều quan tâm có chính sách, chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu đào tạo lực lượng lao động kỹ thuật trực tiếp cho phát triển kinh tế xã hội ở mỗi thời kỳ.
Hải An