Việt Nam là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á có kinh tế tăng trưởng dương trong năm 2020

15:45 | 11/09/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Mới đây, báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu mới được công bố của Oxford Economics đánh giá Việt Nam là quốc gia duy nhất ở khu vực Đông Nam Á có nền kinh tế đạt mức tăng trưởng dương năm 2020.
Báo cáo dựa trên dự đoán Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực Đông Nam Á trong năm 2020 sẽ giảm 4,2%. Theo đó cũng nhận định sự phục hồi hoạt động kinh tế của khu vực trong những quý tới vẫn không chắc chắn, đặt biệt là trong quý IV/2020.
 
Các nền kinh tế ASEAN-5 đã công bố mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý II/2020 đều ở tình trạng tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998.

Tuy nhiên, trái ngược với dự báo ảm đạm của khu vực Đông Nam Á, Báo cáo đánh giá triển vọng phục hồi kinh tế của Việt Nam là tươi sáng nhất trong khu vực Đông Nam Á. Việt Nam sẽ là nền kinh tế duy nhất ở khu vực đạt mức tăng trưởng dương trong năm 2020.

Trước đó, hầu hết, các tổ chức tài chính quốc tế cũng đều dự báo, trong số các nước Đông Nam Á, duy nhất kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng dương trong năm nay.

Theo ông Mark Billington - Giám đốc ICAEW khu vực Trung Quốc và Đông Nam Á, mức độ ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 đến từng nền kinh tế là khác nhau, do vậy cách đối phó của mỗi quốc gia với cuộc khủng hoảng cũng là khác nhau.
 
Việt Nam là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á có kinh tế tăng trưởng dương trong năm 2020 - ảnh 1
Việt Nam có vị trí thuận lợi để thoát khỏi bẫy kinh tế COVID-19. (Ảnh: Báo Đầu tư)

Cụ thể, các nền kinh tế kiểm soát tốt dịch bệnh như Thái Lan và Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn so với Indonesia và Philippines, khi hai nước này đang phải vật lộn với những làn sóng bùng phát mới của đại dịch Covid-19 sau khi những biện pháp hạn chế ở các nước này được nới lỏng sớm.

Báo cáo cũng lưu ý cả Indonesia và Philippines vẫn rất dễ bị tổn thương vì hai nước này có cơ sở hạ tầng y tế công yếu kém hơn, các mức hỗ trợ tài chính thấp hơn và nền kinh tế hướng theo tiêu dùng hơn so với các nước khác trong khu vực.

Tốc độ phục hồi của Indonesia được cho là chậm. GDP năm 2020 của Indonesia dự kiến giảm 2,7% trước khi tăng 6,2% trong năm 2021.

Triển vọng phục hồi của kinh tế Việt Nam “tươi sáng” nhất Đông Nam Á. Ảnh minh họa - TTXVN
Philippines được dự báo ghi nhận số liệu GDP kém nhất trong khu vực Đông Nam Á với mức ước giảm 8,2% trong năm nay do phụ thuộc vào ngành du lịch và chậm dỡ bỏ lệnh phong tỏa chống dịch bệnh.

Trong khi đó, xuất khẩu của Malaysia hưởng lợi từ nhu cầu nhập khẩu được cải thiện của Trung Quốc. Tuy nhiên, tốc độ phục hồi kinh tế của Malaysia sẽ chậm do nhu cầu yếu, tỷ lệ thất nghiệp cao và đầu tư suy yếu trên toàn cầu.

Nền kinh tế Malaysia được dự báo sẽ giảm 6% trong năm 2020 trước khi phục hồi với mức tăng trưởng 6,6% vào năm 2021.

Giám đốc khu vực của ICAEW, Mark Billington, đánh giá con đường phục hồi của các nền kinh tế ở Đông Nam Á sẽ còn dài do căng thẳng Mỹ-Trung hiện nay, sự giảm tốc dài hạn trong hoạt động thương mại toàn cầu và đại dịch Covid-19 kéo dài ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng.

Trong 8 tháng đầu năm 2020, kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích đáng kể, tăng trưởng luôn ở ấn tượng.

Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định; chính sách tiền tệ được thực hiện tương đối tốt; dự trữ ngoại hối đạt khoảng 92 tỷ USD và dự kiến đến cuối năm có thể đạt con số 100 tỷ USD; xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng, 8 tháng đạt trên 174 tỷ USD, tăng 1,6%.

Nhiều địa phương đã tuyên bố giải ngân đạt 100% trong năm nay; phát triển doanh nghiệp đạt một số kết quả tích cực. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng gần 30%...

Xuất siêu trên 11,9 tỷ USD; giải ngân vốn đầu tư công được cải thiện rõ nét, tăng so với cùng kỳ gần 31%, mức tăng cao nhất từ trước đến nay.
 
Hãng truyền thông Bloomberg cũng nhận định Việt Nam là một trong những nền kinh tế hiếm hoi trên thế giới có cơ hội tăng trưởng dương trong năm 2020. 

Tạp chí The Economist của Anh trong một bài viết mới đây cũng đã có những nhận định rất tích cực về triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong năm nay.

Tuy nhiên, năm nay sẽ có chút khác biệt do tác động của đại dịch COVID-19. Rất ít nền kinh tế mới nổi phát triển, nhưng vì các nền kinh tế phát triển sẽ suy thoái nhanh hơn nên khoảng cách giữa các nền kinh tế đang phát triển với các nền kinh tế phát triển vẫn được thu hẹp. 

Căn cứ vào nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, bài viết nêu rõ Việt Nam có vị trí thuận lợi để thoát khỏi bẫy kinh tế COVID-19.

Thứ nhất, Chính phủ Việt Nam đã tạo đủ không gian tài khóa để thực hiện biện pháp kích thích tài khóa đầy tham vọng. Do đó, Chính phủ có thể nâng cao cả tổng cầu trong ngắn hạn và tổng cung trong dài hạn bằng cách chi tiêu nhiều hơn và tốt hơn.

Thứ hai, bằng cách đi đầu trong cuộc chiến chống lại COVID-19, Việt Nam đã gia tăng dấu ấn của mình đối với nền kinh tế thế giới. Từ đó thu hút các doanh nghiệp nước ngoài hiện đang tìm cách đa dạng hóa hoạt động và giảm thiểu rủi ro liên quan đến các cú sốc khác trong tương lai.

Hải Yến

Xem thêm: Nhiều loại nông sản, trái cây đồng loạt tăng giá, nông dân mừng khấp khởi