Việt Nam, Morocco ký kết các văn kiện hợp tác
Cụ thể, chiều 28/3, tại thủ đô Rabat, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam cùng Bộ Năng lượng, Mỏ và Phát triển bền vững Morocco đã lễ ký Biên bản ghi nhớ hợp tác về môi trường và phát triển bền vững.
Cùng với đó, Bộ Công Thương Việt Nam cùng Bộ Công nghiệp, Đầu tư, Thương mại và Kinh tế số Morocco ký kết Bản ghi nhớ thành lập Tiểu ban hợp tác về thương mại và công nghiệp.
Việc thành lập Tiểu ban hợp tác về thương mại và công nghiệp (SCCCI) nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác thương mại và công nghiệp trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi, phù hợp với các điều khoản của Bản ghi nhớ và các luật, quy định, chính sách quốc gia hiện hành tại mỗi nước. SCCCI sẽ họp khi cần thiết và phải có yêu cầu bằng văn bản của một bên.
Cũng trong dịp này, đại diện hai Bộ đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác giữa Bộ Công Thương của Việt Nam và Bộ Công nghiệp, Đầu tư, Thương mại và Kinh tế số của Morocco.
Theo đó, trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi, hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thương mại và công nghiệp nhằm thúc đẩy thương mại song phương và trao đổi kiến thức, công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp giữa hai nước.
Hai bên tăng cường trao đổi thông tin về các cơ hội kinh doanh giữa hai nước, nhất là về các ngành hàng có nhiều tiềm năng trao đổi thương mại như nông sản (cà phê, hạt tiêu, chà là, ôliu), hàng hải sản, sản phẩm dệt may, giày dép các loại, sợi các loại, điện thoại di động và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, phốt phát, than…
Hai bên thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực có thế mạnh như kinh doanh nông nghiệp, công nghiệp điện tử và cơ khí, năng lượng tái tạo, dệt may, hóa chất, sản xuất phân bón; trao đổi kinh nghiệm về cơ chế chính sách phát triển thương mại và công nghiệp, thúc đẩy đầu tư và thành lập liên doanh giữa doanh nghiệp hai nước, đào tạo nguồn nhân lực để phát triển các ngành hàng, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp và kỹ thuật.
Hai bên cũng nhất trí thành lập Nhóm công tác Việt Nam-Morocco về hợp tác thương mại và công nghiệp để thường xuyên phối hợp, giải quyết các vấn đề liên quan đến hợp tác song phương trong lĩnh vực này; nghiên cứu và đề xuất các chiến lược nhằm thúc đẩy và tăng cường quan hệ hợp tác thương mại, công nghiệp kèm theo các kế hoạch hành động giữa hai bộ.