Việt Nam sắp ra quy định ngăn chặn việc mua quốc tịch 'chui' ở nước ngoài
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến dự thảo nghị định về đầu tư ra nước ngoài theo hướng ngăn chặn đầu tư bất động sản tại nước ngoài để mua quốc tịch.
Một trong những điểm mới của dự thảo Nghị định này là bổ sung điều kiện đầu tư ra nước ngoài đối với ngành, nghề kinh doanh bất động sản. Theo đó, điều kiện để đầu tư kinh doanh bất động sản ở nước ngoài là "nhà đầu tư là doanh nghiệp thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp".
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc siết điều kiện nói trên nhằm "hạn chế tình trạng cá nhân lợi dụng đầu tư để sở hữu tài sản ở nước ngoài hoặc nhằm mục tiêu định cư" chứ không phải đầu tư kinh doanh.
Dự thảo nghị định lần này bổ sung quy định chỉ các doanh nghiệp mới được đầu tư bất động sản tại nước ngoài. Cá nhân sẽ không được đầu tư kinh doanh bất động sản tại nước ngoài. Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh quy định này nhằm tránh tình trạng cá nhân mua bất động sản để định cư ở nước ngoài mà không nhằm mục tiêu đầu tư, kinh doanh.
"Hộ chiếu vàng" của Cyprus mà rất nhiều người nước ngoài khát khao. Ảnh: London Daily
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: Việc bổ sung quy định nêu trên là cần thiết, phù hợp và thống nhất với các pháp luật trong nước về cán bộ, công chức, lực lượng công an, quân đội; đảm bảo cá nhân khi đầu tư ra nước ngoài đã có đầy đủ tư cách pháp lý và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Quy định nêu trên cũng giúp hạn chế các trường hợp cá nhân đang có vấn đề ràng buộc trong nước khi đầu tư ra nước ngoài để hạn chế những rủi ro có thể có như tẩu tán tài sản…
Tuy nhiên, một lãnh đạo Cục Đầu tư nước ngoài thừa nhận, quy định như vậy vẫn chưa thể khắc phục hoàn toàn tình trạng lách luật trong đầu tư ra nước ngoài để mua bất động sản qua đó có quốc tịch. Vì thế, dự thảo nghị định về lần này cũng bổ sung thêm các quy định trong cấp phép đầu tư.
Ngoài ra, dự thảo bổ sung quy định các trường hợp cá nhân không được đầu tư ra nước ngoài dẫn chiếu theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp năm 2020. Đó là các cá nhân không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam (Điều 2 Dự thảo Nghị định).
Nói về dự thảo trên, lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài nêu quan điểm, việc cấm cá nhân nhưng lại cho DN đầu tư kinh doanh bất động sản ở nước ngoài sẽ không có nhiều tác dụng. Cá nhân muốn lách luật để đầu tư kinh doanh bất động sản ở nước ngoài không khó, thành lập một công ty hiện nay cũng chỉ cần vốn rất nhỏ sau đó họ ra nước ngoài vẫn mua được đất.
Cá nhân hay một DN tư nhân đầu tư bất động sản ở nước ngoài cũng như nhau, hoàn tất đầu tư, cá nhân có thể nhập quốc tịch, giải thể công ty. Như vậy, động cơ mang tiền ra nước ngoài mua quốc tịch của nhiều cá nhân vẫn đạt được.
Theo ông Toàn, chuyện lợi dụng chuyển ngoại tệ ra nước ngoài để rửa tiền, tài trợ cho các tổ chức khủng bố, chống đối phải có biện pháp xử lý nghiêm, còn tiền túi tư nhân bỏ ra đầu tư vì mục đích kinh doanh thì cũng không nên quy định quá khắt khe.
Cùng quan điểm trên, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng cho rằng, việc quy định cá nhân hay pháp nhân được phép đầu tư kinh doanh bất động sản ở nước ngoài không có nhiều ý nghĩa.
Cần đưa ra các quy định để nhà đầu tư cá nhân, DN tư nhân được phép đầu tư vào những loại hình bất động sản nào ở nước ngoài. Chẳng hạn nên khuyến khích họ đầu tư vào bất động sản công nghiệp, đầu tư các bất động sản thương mại như trung tâm mua sắm... Như vậy vừa thu được ngoại tệ về cho đất nước, đưa thương hiệu Việt ra nước ngoài, quảng bá được hình ảnhViệt Nam tới các nước.
Còn nếu cá nhân, DN đầu tư mua một chục căn nhà ở nước ngoài để cho thuê, để mua đi bán lại hoặc để ở sẽ không có lợi cho đất nước mà lại bị mất ngoại tệ, cần hạn chế.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 7/2020, Việt Nam có 1.741 dự án đầu tư ra nước ngoài được cấp phép với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 22,9 tỷ USD. Vốn đã thực hiện đạt khoảng 9,65 tỷ USD.
Trong đó, riêng giai đoạn 2006 đến nay, số lượng dự án và số vốn đăng ký chiếm tỉ lệ lần lượt là 90,1% và 97,4% tổng vốn đăng ký. Riêng từ 2015 đến nay, số lượng dự án đã chiếm 45% tổng số dự án lũy kế mặc dù vốn đăng ký chỉ chiếm 14,6% tổng vốn đăng ký.
Các dự án đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam trong giai đoạn này cũng có những thay đổi theo hướng đa dạng hơn về thị trường, lĩnh vực, hình thức đầu tư.
Ngoài các thị trường truyền thống gồm Lào, Campuchia, Nga… doanh nghiệp Việt Nam đã mở rộng đầu tư sang cả những quốc gia vốn là các nhà đầu tư lớn tại Việt Nam như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Singapore, Australia, Châu Âu và thậm chí tới các thị trường xa như Châu Mỹ Latinh, Châu Phi.
Tháng 8/2020, việc ông Phạm Phú Quốc - ĐBQH TP HCM khóa XIV có tên trong danh sách người có hộ chiếu của đảo Síp thu hút sự chú ý trên truyền thông. Mức giá để mua quyền công dân tại Quốc đảo Síp được bài báo nêu là khoảng 2,5 triệu USD (tương đương khoảng 58 tỷ đồng). Những người này sẽ trở thành công dân EU, được đi lại, làm việc tự do ở 27 nước thành viên EU và có thể nhập cảnh vào 174 quốc gia mà không cần visa. Trả lời trên báo giới, ông Quốc thừa nhận có quốc tịch đảo Síp vào năm 2018 và quốc tịch của ông do "gia đình bảo lãnh", đang tiến hành các thủ tục để báo cáo cơ quan có thẩm quyền. Theo luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Tổ chức Quốc hội vừa được Quốc hội khóa 14 thông qua vào tháng 6 năm nay, ĐBQH Việt Nam chỉ được phép có 1 quốc tịch. Tuy nhiên, luật này đến 1/1/2021 mới có hiệu lực. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất giao Ban Công tác đại biểu hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội xem xét, bãi nhiệm ĐBQH Phạm Phú Quốc. Nội dung này đã đưa vào chương trình làm việc và được tiến hành trong kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, dự kiến diễn ra vào tháng 10. |
Lệ Vỹ (T/h)
Xem thêm: Vì sao nhiều người sẵn sàng bỏ vài triệu USD để có được hộ chiếu đảo Síp?