Việt Nam thành điểm nóng thương mại điện tử khu vực

Đức Huy 09:40 | 17/07/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Việt Nam là thị trường thương mại điện tử lớn thứ ba khu vực Đông Nam Á.

Theo báo cáo "Thương mại điện tử ở Đông Nam Á 2024" của Momentum Works, tổng giá trị hàng hóa giao dịch trên 8 nền tảng thương mại điện tử lớn nhất khu vực này đã tăng 15% so với năm ngoái, đạt 114,6 tỷ USD trong năm 2023.

Shopee tiếp tục dẫn đầu thị trường với 48% thị phần, đạt 55,1 tỷ USD. Trong khi đó, Lazada và Tokopedia lần lượt đạt 18,8 tỷ USD và 16,3 tỷ USD.

TikTok Shop đã có bước nhảy vọt ngoạn mục, tăng trưởng gần gấp 4 lần so với năm trước, đạt 16,3 tỷ USD, qua đó vượt Tokopedia để trở thành nền tảng thương mại điện tử lớn thứ hai tại Đông Nam Á. Đầu năm 2024, TikTok cũng đã hoàn tất thương vụ mua lại Tokopedia, nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Indonesia, từ GoTo Group.

Thương mại điện tử bùng nổ tại Việt Nam. (Ảnh: Đức Huy).

Việt Nam và Thái Lan nổi lên là hai thị trường thương mại điện tử tăng trưởng nhanh nhất khu vực trong năm ngoái, với tổng giá trị giao dịch tăng lần lượt 52,9% và 34,1%. Việt Nam cũng đã vượt mặt Philippines để trở thành thị trường lớn thứ ba khu vực.

Mặc dù Indonesia vẫn giữ vững vị trí số một với 46,9% tổng giá trị giao dịch toàn khu vực, tốc độ tăng trưởng của quốc gia này lại chậm nhất, chỉ đạt 3,7%.

"Thương trường thương mại điện tử Đông Nam Á luôn biến động không ngừng," ông Jianggan Li, nhà sáng lập kiêm CEO của Momentum Works nhận định. "Với sức bật mạnh mẽ từ các thị trường như Việt Nam, Thái Lan và sự trỗi dậy của các nền tảng như TikTok Shop, rõ ràng đổi mới và thích ứng là yếu tố sống còn. Sự lên ngôi của trí tuệ nhân tạo và thương mại điện tử trực tiếp đang định hình lại ngành, mở ra nhiều cơ hội tăng trưởng cho các doanh nghiệp trong khu vực.”

Một trong những sự kiện nổi bật nhất của ngành thương mại điện tử Đông Nam Á năm ngoái là thương vụ GoTo, "ông lớn" công nghệ Indonesia, bán 75,01% cổ phần của Tokopedia cho TikTok, thuộc sở hữu của ByteDance. Trước đó, TikTok Shop, nền tảng bán hàng qua mạng xã hội của TikTok, đã phải đóng cửa tại Indonesia vào tháng 9 do lệnh cấm thương mại xã hội.

TikTok dự kiến rót hơn 1,5 tỷ USD vào công ty mới sáp nhập, trong đó 500 triệu USD được thanh toán ngay lập tức, cho thấy tham vọng chinh phục thị trường béo bở Indonesia.

Sáu tháng sau thương vụ "kết duyên" giữa TikTok và Tokopedia, hệ sinh thái thương mại điện tử của ByteDance dường như có nhiều xáo trộn với hàng loạt quyết định sa thải và thay đổi chiến lược. Điều này dấy lên nhiều câu hỏi về ảnh hưởng thực sự của thương vụ đến ngành thương mại điện tử Indonesia.

Tháng 6 vừa qua, công ty này gây xôn xao dư luận với đợt cắt giảm nhân sự lớn, lần tái cấu trúc đáng kể đầu tiên kể từ khi hợp nhất vào tháng 1/2024.

Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt, Shopee, mảng thương mại điện tử của Sea Ltd, đã đạt được những bước tiến đáng kể về doanh thu, tổng giá trị giao dịch và số lượng đơn hàng trong quý đầu tiên của năm 2024.

Logistics và livestream là hai động lực chính thúc đẩy tăng trưởng này. Ông Forrest Li, Chủ tịch kiêm CEO của Sea, chia sẻ trong buổi công bố kết quả kinh doanh quý I/2024 rằng việc củng cố những dịch vụ này là then chốt để nâng cao khả năng cạnh tranh về giá và chất lượng dịch vụ cho cả người mua lẫn người bán.

Sea báo cáo doanh thu GAAP đạt 3,7 tỷ USD trong quý đầu tiên của năm 2024, vượt dự đoán 3,62 tỷ USD của các nhà phân tích. EBITDA đã điều chỉnh của công ty cũng vượt kỳ vọng của Phố Wall, đạt 401,1 triệu USD so với con số dự đoán 227,4 triệu USD.

Dòng vốn đổ vào các startup thương mại điện tử tại Đông Nam Á đã chạm đáy trong ít nhất 4 năm qua trong quý đầu tiên của năm nay, bất chấp sự phục hồi của thị trường tiêu dùng nói chung.

Theo báo cáo "SE Asia Deal Review: Q1 2024" của DealStreetAsia, các startup trong lĩnh vực này chỉ thu về vỏn vẹn 18 triệu USD trong quý I, giảm đến 97,2% so với quý trước, dù số lượng giao dịch có tăng nhẹ.

Giá trị các thương vụ cũng lao dốc 90,5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi số lượng thương vụ giảm hơn một nửa.

Tháng 1 vừa qua, Konvy.com, nền tảng thương mại điện tử B2C của Thái Lan, đã ghi nhận khoản đầu tư lớn nhất trong quý với vòng gọi vốn Series A trị giá 11 triệu USD, tiếp theo là vòng gọi vốn Series A trị giá 3 triệu USD của Motorist. Hai thương vụ này chiếm tới gần 78% tổng vốn đầu tư vào lĩnh vực này trong quý.

SCI Ecommerce, đơn vị hỗ trợ thương mại điện tử xuyên biên giới tại Đông Nam Á, báo cáo lợi nhuận ròng đạt 3,4 triệu USD trong năm 2022, so với mức lỗ 2,4 triệu USD năm 2021.

DealStreetAsia cũng đưa tin Vigo Retail, startup thương mại điện tử B2B của Việt Nam, đã gọi vốn thành công từ Argor Capital Management, Wavemaker Partners và Patamar Capital.

Công ty đã huy động được 9,4 triệu USD từ các nhà đầu tư trong vòng gọi vốn Series A1 đầu tiên, theo hồ sơ nộp lên cơ quan Quản lý Doanh nghiệp và Kế toán Singapore (ACRA).