Việt Nam thiếu các hiệp định hợp tác để vào Romania - cửa ngõ thị trường châu Âu
Cơ hội cho doanh nghiệp Việt tiếp cận cửa ngõ châu Âu…
Phát biểu tại buổi Tọa đàm, ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, Romania là thị trường lớn nhất tại khu vực Nam Âu, với 21 triệu dân và có quy mô diện tích lớn đứng thứ 7 ở châu Âu.
Không những vậy, Romania còn nằm ở vị trí đầu mối của 3 hành lang kinh tế châu Âu (Liên minh châu Âu-EU, vùng Balkans và Cộng đồng các quốc gia độc lập CEI), là nơi thuận lợi cho vận tải biển đi các nước trong khu vực EU. Đây chính là cửa ngõ giúp hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào thị trường châu Âu với hơn 500 triệu người tiêu dùng.
Đặc biệt, theo ông Stefan Radu Oprea, Bộ trưởng Bộ Môi trường Kinh doanh Thương mại và Doanh nhân Romania, năm 2019, Romania sẽ giữ chức vụ Chủ tịch luân phiên EU. Cùng với đó, Romania hiện là thành viên của nhiều thể chế hợp tác kinh tế đa phương toàn cầu. Đây là cơ hội rất tốt để Romania và Việt Nam thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại.
Thế mạnh của Romania là các lĩnh vực dầu khí, hóa dầu, kiến trúc xây dựng, y tế, chế biến nông sản. Trong khi đó, Việt Nam là thị trường lớn, có thế mạnh trong khu vực Đông Nam Á. Việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do và hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đem lại nhiều cơ hội thuận lợi và mở rộng cánh cửa kết nối giữa Việt Nam với các thị trường lớn trong khu vực và trên thế giới.
Cùng với lợi thế đó, Việt Nam còn có sự ổn định về chính trị, nguồn nhân lực có chất lượng ngày càng được nâng cao và là điểm đến an toàn, nhiều tiềm năng cho các nhà đầu tư nước ngoài. Trong quan hệ hợp tác cùng Romania, Việt Nam luôn mong muốn tìm kiếm các giải pháp tích cực hơn nữa nhằm thúc đẩy và đem lại hiệu quả tích cực, nhiều ý nghĩa về kinh tế, xã hội, giao lưu văn hóa giữa 2 quốc gia.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường Romania gồm có cà phê robusta hạt xanh, hàng gia dụng máy tính, phụ tùng máy vi tính, tivi màu, cá tra, cá basa, cao su thiên nhiên và sản phẩm cao su, túi, vali giày dép, quần áo và hàng dệt kim...
Mặt hàng nhập khẩu từ Romania vào Việt Nam gồm thép tấm các loại, phôi thép, nhựa gia dụng, hóa chất và dược phẩm.
Hiện có 216 công ty Việt Nam đang hoạt động tại Romania với số vốn đăng ký khoảng 2,1 triệu euro.
...nhưng còn thiếu các hiệp định hợp tác về ngân hàng, hải quan, du lịch...
Cho dù kim ngạch hai chiều giữa hai nước tăng lên khá nhanh, nhưng ông Bùi Trọng Đỉnh, Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Hội Hữu nghị Việt Nam-Romania cũng chỉ rõ: Tính đến hết năm 2017, Romania đã đầu tư vào Việt Nam 2 dự án với số vốn đăng ký 1,2 triệu USD và con số này chỉ xếp thứ 93 trong số 125 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Quan hệ hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Romania tuy có nhiều tiềm năng nhưng chưa phát triển tương xứng và kết quả đạt được còn khiêm tốn. Mấu chốt là do môi trường pháp lý tuy đã được cải thiện nhưng còn chậm được sửa đổi, còn thiếu các hiệp định hợp tác về ngân hàng, hải quan, du lịch...
Trong đó, ông Bùi Trọng Đỉnh khuyến nghị hai nước cần sớm xúc tiến đàm phán ký kết các hiệp định hợp tác về ngân hàng, du lịch và hải quan, đồng thời, sớm sửa đổi, điều chỉnh các hiệp định khuyến khích, bảo hộ đầu tư, hiệp định tránh đánh thuế 2 lần và thực hiện thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực vận tải biển đã ký từ những năm 1994-1995 sao cho tương thích với tình hình thực tế.
“Cần tích cực tổ chức các cuộc hội thảo xúc tiến thương mại giữa hai nước để tăng cường hỗ trợ, cung cấp thông tin thị trường, đối tác, qua đó, giúp các doanh nghiệp tìm hiểu thị trường và quảng bá, giới thiệu sản phẩm”, ông Đỉnh nhấn mạnh.