Việt Nam tiếp tục là điểm đến của các nhà đầu tư Nhật Bản
Tuyên bố kết thúc giai đoạn 8 Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết với 497/594 hạng mục đã hoàn thành tốt và đúng tiến độ, chiếm 84% tổng số hạng mục hai bên thực hiện, sáng kiến chung là một trong những kênh đối thoại hiệu quả, góp phần tích cực vào cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
"Thành quả đó giúp tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Nhật Bản yên tâm đầu tư và mở rộng đầu tư tại Việt Nam," Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh tại Hội thảo kinh tế cấp cao Việt Nam-Nhật Bản tổ chức ngày 7/3.
Tiếp tục đẩy mạnh Sáng kiến chung giai đoạn tiếp theo
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định sau hơn 20 năm thực hiện, Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản đã có tác động to lớn và nhiều mặt, được cộng đồng các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư Nhật Bản đánh giá cao.
Sự kiện này cũng được đánh giá là diễn đàn có hiệu quả hàng đầu trong số các diễn đàn đối thoại, hợp tác của Chính phủ Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, với mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030, Việt Nam đang chú trọng tới việc ứng dụng khoa học và công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế trí thức.
Trong hành trình đó, Việt Nam mong muốn có sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp Nhật Bản rất có tiềm năng và phù hợp với các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ Việt Nam nêu trên.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản không chỉ là kênh đối thoại giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp Nhật Bản, mà thông qua đó, các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tham gia sâu hơn vào quá trình tham mưu chính sách.
"Các doanh nghiệp Nhật Bản có thể đề xuất việc xây dựng chính sách của Việt Nam, tập trung vào các nhóm vấn đề chuyển giao công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Bên cạnh việc tham gia vào quá trình xây dựng, hoạch định chính sách, tôi mong các bạn sẽ tăng cường và tham gia sâu vào quá trình triển khai các cơ chế chính sách," Bộ trưởng bày tỏ.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng cho biết trong 8 giai đoạn vừa qua đã có nhóm công tác tập trung phát triển năng lực cho doanh nghiệp Việt Nam như nhóm công tác về lao động hay công nghiệp hỗ trợ.
Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản được khởi xướng bởi Thủ tướng Chính phủ hai nước từ tháng 4/2003. Mục tiêu của Sáng kiến chung nhằm hỗ trợ cải thiện môi trường đầu tư và tăng cường sức cạnh tranh của Việt Nam thông qua các cuộc đối thoại chính sách giữa Chính phủ Việt Nam (gồm các bộ, ngành liên quan) với đại diện cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (đại diện là Ủy ban kinh tế Việt-Nhật thuộc Liên đoàn kinh tế Nhật Bản-Keidanren, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, JICA. JETRO, JCCI, JCCH).
Đề xuất để phát huy hơn nữa sáng kiến chung
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, về đầu tư, đến nay Nhật Bản có hơn 5.000 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư gần 70 tỷ USD, đứng thứ 3/141 trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Việt Nam có 104 dự án đầu tư sang Nhật Bản với vốn đầu tư đăng ký đạt 19,2 triệu USD, đứng thứ 36 trong tổng số 79 quốc gia và vùng lãnh thổ mà Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.
Về thương mại, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 2 nước năm 2022 đạt gần 50 tỷ USD, đưa Nhật Bản trở thành đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản đạt gần 25 tỷ USD, nhập khẩu đạt gần 24 tỷ USD.
Bên cạnh đó, Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản, cơ chế hợp tác đặc biệt giữa hai Chính phủ, qua 20 năm thực hiện với 8 giai đoạn, đã đem lại nhiều kết quả tích cực trong cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam để thu hút các nhà đầu tư nói chung và nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng.
Theo khảo sát của Jetro, trong 1-2 năm tới, có 60% số doanh nghiệp Nhật Bản cho biết sẽ mở rộng kinh doanh tại Việt Nam. Điều này đúng với câu nói của người Việt Nam "đất lành, chim đậu." Mặt khác, số người Việt Nam tại Nhật Bản đã lên tới gần 500 nghìn người và đang tăng rất nhanh.
Thời gian tới, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư kỳ vọng, phía Nhật Bản sẽ có giải pháp cụ thể hơn nữa và bổ sung nguồn lực để tăng cường kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực, tham gia sâu vào chuỗi giá trị. Thông qua xây dựng Chương trình doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam vào 3 lĩnh vực: chuyển đổi số; phát triển công nghiệp hỗ trợ; đào tạo nhân lực.
Ông Ichkawa Hideo, Cố vấn Tập đoàn Resonac Holdings, đồng Chủ tịch Ủy ban kinh tế Nhật-Việt, cho biết Việt Nam từ năm 1986 đổi mới đã tích cực phát triển kinh tế thị trường, mở rộng hạ tầng. Đến nay, Việt Nam đã là một quốc gia có tình hình chính trị-xã hội ổn định, là thị trường hấp dẫn đầu tư Nhật Bản hàng đầu thế giới với nhiều lĩnh vực khác nhau.
“Thông qua các hoạt động, Nhật Bản đã có nhiều hợp tác phát triển nền công nghiệp phụ trợ, phát triển nhân lực, đề xuất xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi hơn nữa ở Việt Nam. Kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao sẽ là bước ngoặt mở ra nhiều triển vọng hợp tác, khám phá những tiềm năng mới giữa hai nước," ông Ichkawa Hideo nhấn mạnh.
Để phát huy hơn nữa vai trò của Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất trong thời gian tới, cần tập trung vào các nội dung hợp tác.
Cụ thể, với mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030, Việt Nam đang chú trọng tới việc ứng dụng khoa học và công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế trí thức. Trong hành trình đó, Việt Nam mong muốn có sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp Nhật Bản rất có tiềm năng và phù hợp với các lĩnh vực ưu tiên này.
Thời gian tới, Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản không chỉ là kênh đối thoại giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp Nhật Bản, mà thông qua đó, phía Nhật Bản sẽ tham gia sâu hơn vào quá trình tham mưu, đề xuất việc xây dựng chính sách của Việt Nam, tập trung vào các nhóm vấn đề chuyển giao công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo…
Bên cạnh đó, trong 8 giai đoạn vừa qua, đã có nhóm công tác tập trung phát triển năng lực cho doanh nghiệp Việt Nam như nhóm công tác về lao động hay công nghiệp hỗ trợ. Trong giai đoạn tới, phía Nhật Bản cần có giải pháp cụ thể hơn nữa và bổ sung nguồn lực để tăng cường kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực và sức cạnh tranh, tham gia sâu vào chuỗi giá trị, gia tăng hiệu quả hợp tác đầu tư thông qua các đề án, chương trình cụ thể.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị xây dựng Chương trình doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam vào 3 lĩnh vực: chuyển đổi số; phát triển công nghiệp hỗ trợ; đào tạo nhân lực.
Cùng với đó, bên cạnh việc tham gia vào quá trình xây dựng, hoạch định chính sách, các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tăng cường và tham gia sâu vào quá trình triển khai các cơ chế chính sách.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các nhóm công tác phía Nhật Bản phối hợp với các bộ, ngành liên quan của Việt Nam và các địa phương nghiên cứu triển khai, có thể thông qua việc đề nghị Chính phủ Nhật Bản đưa ra các gói hỗ trợ phù hợp (gói viện trợ không hoàn lại) để có chương trình hành động và đề án cụ thể nhằm hiện thực hóa các ý tưởng và kế hoạch đề ra.
“Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ, ngành sẽ tiếp tục đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản trong quá trình đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, đem lại hiệu quả hợp tác đầu tư cho cả hai bên, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội, làm sâu sắc hơn mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Nhật Bản, vì sự thịnh vượng chung của hai dân tộc," Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Thay mặt Chính phủ Việt Nam, tại hội thảo, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: "Trên tinh thần 'lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ,' hài hòa lợi ích giữa Chính phủ, doanh nghiệp và người dân, Chính phủ Việt Nam một lần nữa khẳng định sẽ luôn đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư Nhật Bản tiến hành đầu tư thành công, bền vững, lâu dài ở Việt Nam".