Việt Nam và các nước ồ ạt xuất khẩu thép sang Trung Quốc: Trong nước còn đủ thép xây dựng?
Việc Trung Quốc đẩy mạnh thu mua thép từ nước ngoài phải chăng là dấu hiệu báo trước cho một chiến lược thị trường thép dài hơi của nước này?
Việt Nam đang xuất khẩu sắt thép nhiều nhất sang Trung Quốc, tăng mạnh 1.827,5% về lượng, tăng 1.470% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.
Thống kê mới nhất từ Tổng cục Hải quan cho thấy, 8 tháng qua, lượng sắt thép Trung Quốc nhập khẩu từ Việt Nam tăng vọt gấp 19 lần so với cùng kỳ năm 2019. Trong 4 thị trường nhập khẩu sắt thép lớn nhất của Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan là 2 thị trường thu mua lớn nhất.
Sản lượng sản xuất thép của Trung Quốc đã phá kỷ lục, với 90 triệu tấn trong 3 tháng qua. (Ảnh minh họa: MySteel)
Lý giải về việc xuất khẩu sắt thép cao bất thường, ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam từng trao đổi trên báo chí hồi tháng 6/2020, ông cho rằng hiện tượng xuất khẩu sắt thép sang Trung Quốc (cụ thể chủ yếu là phôi thép) là tín hiệu tốt cho ngành sản xuất thép Việt Nam. Trước đây, Việt Nam chủ yếu nhập phôi thép từ Trung Quốc để phục vụ cho các nhà máy cán thép trong nước, song hiện nay do công suất dư thừa các doanh nghiệp sẽ tăng cường xuất khẩu ra bên ngoài.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, mức giá xuất sang Trung Quốc rẻ hơn so với thị trường khác hoặc so với mức giá chung là do doanh nghiệp tự xây dựng đơn hàng. Mức giá này có khi thấp hơn giá bán trong nước nhưng xuất sang Trung Quốc để mở rộng thị trường thì họ cũng sẽ làm.
Ông Đa tiết lộ thêm, lượng phôi thép xuất sang Trung Quốc tăng mạnh có đóng góp lớn của Tập đoàn Hòa Phát. Trong khi đó, một doanh nghiệp thép FDI lớn nhất Việt Nam là Formosa (tại Hà Tĩnh) đã và đang tự chủ sản xuất từ phôi thép, thép thành phẩm trong nước. Doanh nghiệp này hiện bán 80% tại Việt Nam, còn lại xuất khẩu đi thế giới.
Trong khi nhiều lĩnh vực vẫn đang lao đao trước dịch COVID-19, ngành thép dường như vẫn đang nắm vững tay chèo qua thời kỳ này.
Các chuyên gia lo sợ là một khi nhu cầu nội địa được đáp ứng, thép xuất khẩu giá rẻ từ Trung Quốc có thể tràn ra, khiến thị trường thép trên toàn cầu chao đảo. Ảnh: Nhà Đầu tư
Sản lượng sản xuất thép của Trung Quốc đã phá kỷ lục, với 90 triệu tấn trong 3 tháng qua, tăng hơn 9% so với cùng kỳ năm trước bất chấp toàn cầu sụt giảm. Con số này đẩy thị phần thép của Trung Quốc chiếm lĩnh trên toàn cầu lên mức 62%.
Tuy nhiên, thực tế đang cho thấy Trung Quốc không chỉ mua nhiều thép từ Việt Nam, mà lượng thép xuất khẩu từ các quốc gia khác về Trung Quốc cũng tăng vọt thời gian qua, điển hình như Ấn Độ. Bất chấp căng thẳng chính trị giữa Bắc Kinh và New Delhi, Trung Quốc đã mua 1,3 triệu tấn thép từ Ấn Độ, mức giao dịch lớn nhất kể từ khi dữ liệu được thu thập vào năm tài khóa 2015 - 2016.
Trong tháng 6, Trung Quốc cũng lần đầu tiên trở thành nhà nhập khẩu ròng kim loại này trong hơn 1 thập kỷ do Bắc Kinh đã đưa ra chính sách nới lỏng tiền tệ, mạnh tay chi tiêu cho xây dựng cơ sở hạ tầng sau đại dịch. Đồng thời, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng như đồ gia dụng và ô tô đã nâng giá thép tấm lên mức cao nhất trong 2 năm.
Trong tháng 6, lần đầu tiên Trung Quốc trở thành nhà nhập khẩu ròng thép trong hơn 1 thập kỷ. (Ảnh minh họa: Reuters)
Theo Nikkei, giá thép cuộn cán nóng của châu Á, được sử dụng bởi các nhà sản xuất ô tô và thiết bị điện, đã tăng 20% so với tháng 4. Tuy nhiên không phải nhà cung cấp nào cũng được hưởng lợi từ giá thành thép tăng hiện nay. Bởi thực tế, chỉ có 2% sản lượng thép tiêu thụ tại Trung Quốc là từ nhập khẩu.
Nhưng điều các chuyên gia lo sợ là một khi nhu cầu nội địa được đáp ứng, thép xuất khẩu giá rẻ từ Trung Quốc có thể tràn ra, khiến thị trường thép trên toàn cầu chao đảo.
Đại diện hãng sản xuất thép Nippon Steel (Nhật Bản) khẳng định sẽ cẩn thận theo dõi sản lượng xuất khẩu thép từ Trung Quốc.
Chính phủ Trung Quốc đang muốn điều phối sản lượng thông qua nhóm 10 doanh nghiệp thép quốc doanh hàng đầu để xoa dịu những lo ngại về nguy cơ dư thừa nguồn cung thép. Trung Quốc đặt mục tiêu cuối năm sẽ đưa tỷ trọng của nhóm này lên 60% từ mức 37% hiện nay.
Hải Yến