Việt Nam và những việc cần làm để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6% trong nửa cuối năm 2021
Nền kinh tế Việt Nam đang trong thời kỳ "chống chịu" với những ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, hiện tại nhiều nhóm ngành đang bị suy thoái nặng từ khi dịch bệnh diễn ra từ giữa năm 2020.
Điều này đã khiến nửa đầu năm 2021 thì nước ta chỉ có chỉ số tăng trưởng là 5,64% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy thấp hơn mục tiêu đặt ra nhưng chỉ số này được các chuyên gia đánh giá tích cực so với nền tăng trưởng thấp của năm 2020.
Động lực tăng trưởng chính vẫn đến từ sản xuất và xuất khẩu. Cơ cấu kinh tế hiện tại thì khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,36%, chiếm gần 60% vào GDP. Khu vực dịch vụ tăng 3,96%, đóng góp 32,78%. Riêng xuất khẩu vẫn là điểm nhấn chính khi đạt 157,63 tỷ USD, tăng mạnh28,4% so với cùng kỳ. Với công nghiệp chế biến – chế tạo, cả 5 thành phố trực thuộc trung ương đều ghi nhận chỉ số sản xuất tăng trưởng tốt.
Xuất khẩu dang là trụ cột giúp nền kinh tế tăng trưởng
Các nhà hoạch định chính sách thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) dự báo rằng, để đạt được mốc tăng trưởng GDP trên 6%, nền kinh tế sẽ phải đối mặt với một số vấn đề như: (i) khả năng kiểm soát dịch; (ii) tiến độ giải ngân đầu tư công; (iii) bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; (iv) hỗ trợ kinh tế số và chuyển đổi số; (v) khả năng tận dụng cơ hội từ các FTA mới; và (vi) bảo đảm cơ hội cho lao động nữ.
Theo kịch bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hai kịch bản tăng trưởng trong thời điểm cuối năm sẽ là: Đầu tiên, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6%, quí 3 cần đạt mức tăng trưởng là 6,2%, quí 4 cần tăng 6,5%. Ở kịch bản thứ hai, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5%, quí 3 phải đạt mức tăng trưởng là 7% và quí 4 cần đạt 7,5%.
Kiểm soát được dịch Covid-19 vẫn là yếu tố quan trọng nhất
Trả lời Thông tấn xã Việt Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, thách thức lớn nhất đối với nền kinh tế vẫn là ảnh hưởng xấu bởi dịch Covid-19.
Theo bà, để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm, các cấp, các ngành cần quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng trong những tháng cuối năm. Cụ thể là tập trung cao độ cho phòng, chống dịch bệnh, thực hiện nghiêm tinh thần "chống dịch như chống giặc", với phương châm "5K + vaccine" và tăng cường ứng dụng công nghệ.
Cần giải quyết vấn đề tiêu thụ nông sản, hàng hóa giữa bối cảnh giãn cách xã hội, chia cắt giữa các tỉnh, thành. Nền kinh tế cần nhìn thấy cơ hội trong khó khăn, cần triển khai mạnh các phương pháp bán hàng, kinh doanh trực tuyến song song cùng những hình thức truyền thống.
Để làm được điều trên, các cơ quan hữu quan cần xây dựng chính sách nhằm thúc đẩy chuyển đổi số; tiến hành tuyên truyền, nâng cao ý thức về tiêu thụ thủy sản, tiến hành các chương trình hỗ trợ tiêu thụ nông sản, ưu tiên những địa phương chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Nền kinh tế đang cầm tiêm vaccine chống dịch theo đúng nghĩa bóng lẫn nghĩa đen
Vấn đề thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm tăng không kiểm soát đang là vấn đề nhức nhối trong thời gian vừa qua nên cần triển khai ngay chính sách bình ổn giá thức ăn chăn nuôi cho gia súc, gia cầm và thủy sản. Nếu không giải quyết sớm chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến lượng hàng đáp ứng cho việc xuất khẩu.
Chính phủ cần tiến hành tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh; cải cách quy trình, thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện, kịp thời… Triển khai nhiều chính sách cụ thể thúc đẩy xuất nhập khẩu, phát triển thương mại hài hòa và bền vững nhằm tận dụng hơn nữa các Hiệp định thương mại tự do đã được ký kết…
Còn theo tạp chí kinh tế Sài Gòn, Nhà nước cần duy trì xuất khẩu làm động lực tăng trưởng, giảm chi phí logistics, chi phí vận chuyển, cải cách thủ tục kiểm tra chuyên ngành vốn đang nhức nhối được nhiều chuyên gia kinh tế phản ánh trong những tháng đầu năm.
Vốn đầu tư đang có tốc độ giải ngân rất chậm, cần triển khai mạnh hơn nữa. Hoàn cảnh đầu tư của doanh nghiệp có xu hướng co hẹp lại do tình hình dịch bệnh, Nhà nước phải đứng ra thể hiện vai trò “kích cầu” chủ động của mình. Nửa đầu năm 2021, chi cho đầu tư phát triển mới đạt 134.000 tỉ đồng, bằng 28% dự toán - một tỷ lệ khá thấp.
Ngân hàng Nhà nước phải tiếp tục giữ mức lãi suất thấp, nhằm tạo điều kiện vay vốn cho doanh nghệp và người dân trong lúc khó khăn, bên cạnh đó cần điều hành linh hoạt các công cụ, duy trì thanh khoản hệ thống; đồng bộ các giải pháp tiền tệ, tín dụng, thanh khoản góp phần ổn định thị trường và phục hồi tăng trưởng trước các tác động khó lường của dịch Covid-19.
Ngoài ra, ngân hàng trung ương của Việt Nam cần áp dụng Thông tư 03 (thay thế cho Thông tư 01 không cần hạn trước đó) nhằm cho phép các ngân hàng cơ cấu lại các khoản nợ đến hạn cũng là một biện pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hệ thống ngân hàng và nền kinh tế, qua đó giảm áp lực tăng đối với lãi suất.
Những yếu tố tiên quyết ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng cuối năm
Trao đổi với Báo Đầu tư, ông Lê Trung Hiếu, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia nhận định kịch bản tăng trưởng GDP 6% hoàn toàn có thể trở thành hiện thực bởi các lý do dưới đây.
Thứ nhất, trong 6 tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát tốt; các ngành công nghiệp đạt được tốc độ tăng trưởng đáng khích lệ... Đây là nền tảng để kinh tế 6 tháng cuối năm tiếp tục đà phục hồi.
Thứ hai, ngành nông nghiệp tiếp tục là bệ đỡ vững chắc của nền kinh tế.
Thứ ba, trong 6 tháng cuối năm, ngành tài chính - ngân hàng sẽ phát huy vai trò động lực quan trọng, khơi thông nguồn lực về tài chính cho nền kinh tế nói chung và khu vực doanh nghiệp, hộ sản xuất - kinh doanh nói riêng.
Thứ tư, cả nước đang tập trung nguồn lực cho phòng, chống dịch và tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19.
Cuối cùng, hoạt động xuất khẩu, nhất là xuất khẩu các mặt hàng tiêu dùng như nông, lâm, thủy sản, điện thoại... cũng hứa hẹn sẽ là một trụ cột giúp nền kinh tế tăng trưởng tốt, đây được dự báo sẽ những nhóm ngành nắm bắt được cơ hội thu về nguồn ngoại tệ cho quốc gia khi thế giới đang dần mở cửa trở lại.
H.S
Xem thêm: Thủ tướng Chính phủ: Chưa thay đổi mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6%