Việt Nam xếp thứ 43 trong 100 Thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới

08:38 | 18/04/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Đây là thông tin được Cục Xúc tiến đầu tư (Bộ Công Thương) đưa ra tại Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam 2019 với chủ đề “Định hướng Chiến lược Thương hiệu Quốc gia Việt Nam” vào sáng 17/4. Diễn đàn là một trong các sự kiện nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Thương hiệu Việt Nam 2019.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Thương hiệu quốc gia Đỗ Thắng Hải cho rằng: Hiện nay, chiến lược cạnh tranh bằng thương hiệu đang diễn ra rất mạnh mẽ và sâu rộng, không chỉ dừng lại ở cấp độ doanh nghiệp mà đã phát triển lên mức độ địa phương, ngành hàng và thậm chí ở cấp quốc gia.Trong khi đó, trên thế giới đã có hơn 80 quốc gia đang triển khai chương trình xây dựng thương hiệu quốc gia để phát triển thương hiệu sản phẩm ra thị trường nước ngoài. Do đó, việc Việt Nam triển khai xây dựng Chiến lược Thương hiệu quốc gia phù hợp với xu hướng phát triển mới là hết sức cần thiết.

Đánh giá về Chương trình Thương hiệu quốc gia, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú cho biết: Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam (Vietnam Value) được triển khai từ năm 2003. Đây là chương trình duy nhất của Chính phủ, được triển khai với mục đích quảng bá hình ảnh quốc gia, thương hiệu quốc gia thông qua thương hiệu sản phẩm. Mục đích là nhằm xây dựng và quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam là quốc gia có hàng hoá, dịch vụ chất lượng cao, tạo uy tín, nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.

Việt Nam xếp thứ 43 trong 100 Thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới - ảnh 1
 Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tai Diễn đàn.
Tính đến nay, các doanh nghiệp đã từng bước xây dựng, phát triển và quản trị thương hiệu của mình, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vị trí trên thị trường trong và ngoài nước. Do đó, số lượng doanh nghiệp được công nhận có sản phẩm Thương hiệu Quốc gia tăng đều qua các thời kỳ (cụ thể, năm 2008: 30 doanh nghiệp; 2010: 43 doanh nghiệp; 2012: 54 doanh nghiệp; 2014: 63 doanh nghiệp; 2016: 88 doanh nghiệp và tại Lễ công bố lần thứ 6 diễn ra vào năm 2018, đã có 97 doanh nghiệp được công nhận).
Không dừng lại ở đó, chương trình đã góp phần tạo dựng uy tín cho hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam và tăng cường nhận biết đối với các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam, tạo sự tin cậy, ưa thích của người tiêu dùng trong và ngoài nước đối với hàng hóa, dịch vụ và nhà sản xuất Việt Nam. Theo bảng xếp hạng 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới năm 2018 được Tổ chức Brand Finance công bố, “Vietnam” được định giá 235 tỷ USD và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh. Vị trí của thương hiệu được cải thiện hai bậc trên bảng xếp hạng, lên thứ 43 nhờ đóng góp của Chương trình Thương hiệu quốc gia (Vietnam Value) và nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Chính phủ.
Do đó, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại nhấn mạnh, diễn đàn lần này là cơ hội tốt để các bên cùng nhìn nhận lại thực trạng Thương hiệu Quốc gia Việt Nam hiện nay để từ đó đưa ra những giải pháp, kế hoạch hành động cụ thể để xây dựng và phát triển Thương hiệu Quốc gia Việt Nam.
Việt Nam xếp thứ 43 trong 100 Thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới - ảnh 2
Toàn cảnh Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam 2019.
Ông Vũ Bá Phú cho biết thêm, hiện Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo Đề án chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam trong giai đoạn mới đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và ban hành Quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện Chương trình Thương hiệu Quốc gia.
Nội dung của Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam trong giai đoạn mới sẽ có sự gắn kết thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp với các hoạt động thu hút đầu tư, quảng bá văn hóa, du lịch, từ đó xây dựng thương hiệu quốc gia Việt Nam trở thành hình ảnh tích cực, hấp dẫn và thu hút đối với các nhà nhập khẩu, các du khách, nhà đầu tư, người lao động và người tiêu dùng trên thị trường trong nước và quốc tế. Đề án cũng nêu lên cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, các địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, các doạnh nghiệp và cá nhân liên quan trong tổ chức thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam.
Ngoài ra, theo ông Vũ Bá Phú, Bộ cũng đang cân nhắc, bên cạnh việc công nhận các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia, trong giai đoạn mới, Chương trình sẽ triển khai công nhận các nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý và đẩy mạnh hoạt động quảng bá, truyền thông cho các thương hiệu này.
Góp thêm ý kiến cho giải pháp quản lý, thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia trong giai đoạn mới, PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh, Trưởng bộ môn quản trị thương hiệu, Đại học Thương mại cho rằng: Trong thời gian tới chương trình cần cân nhắc thêm sự tham gia của các thương hiệu tập thể, gắn với các đặc sản vùng miền, chỉ dẫn địa lý. Mở rộng và đa dạng hơn các nhóm đối tượng, sản phẩm dịch vụ tham gia (đào tạo, nghiên cứu khoa học, điểm đến du lịch…).
Đối với việc hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương, ngành hàng nâng cao nhận thức và xây dựng phát triển thương hiệu, TS Thịnh nhấn mạnh, chương trình cần mở rộng phạm vi, quy mô, gia tăng tần suất và đa dạng hóa nội dung, cách thức tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng xây dựng thương hiệu cho các nhóm đối tượng khác nhau; truyền thông mạnh mẽ về Chương trình Thương hiệu Quốc gia; xây dựng chương trình hoạt động của Câu lạc bộ Thương hiệu Quốc gia.