Vietjet muốn mua thêm máy bay và đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật mới
CEO của Vietjet Air, Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, cho biết hãng đang có kế hoạch đầu tư mua thêm máy bay và đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật mới trong năm 2021.
Theo bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO của Vietjet Air, cho biết hãng này đang có kế hoạch đầu tư thêm máy bay và cơ sở vật chất kỹ thuật mới trong năm 2021. Vietjet đã huy động được 650 tỷ đồng thông qua phát hành trái phiếu nhằm tài trợ nguồn lực cho các kế hoạch phát triển năm 2021.
Bà Thảo cho biết dự kiến tiếp tục nhận thêm những máy bay mới hiện đại và tiếp tục đầu tư vào cơ sở vật chất bảo trì bảo dưỡng máy bay cũng như cơ sở đào tạo nhân lực, với các khoản đầu tư cao hơn năm 2020.
Chia sẻ về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, bà Thảo cho biết mảng vận tải hàng hóa của Vietjet tăng trưởng 75% so với cùng kỳ 2019 cũng như thị trường vận tải hành khách nội địa đã ghi nhận tăng trưởng dương trong năm 2020.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo CEO của Vietjet Air
Với việc vaccine COVID-19 sớm ra mắt và phân phối toàn cầu, bà Thảo kỳ vọng ngành hàng không thế giới sẽ phục hồi nhanh chóng. Bà cũng cho hay liên doanh Thai Vietjet Air cũng đã tăng trưởng đội bay lên 15 chiếc trong năm qua, trong khi thị phần cũng ghi nhận tăng trưởng.
"Nhu cầu đi lại bằng đường hàng không cho các mục đích kinh doanh, đầu tư, giáo dục và chăm sóc sức khỏe là rất cao, và chúng tôi cũng đang tích cực triển khai các chuyến bay đưa người Việt từ nước ngoài về nước", bà Thảo nói.
Nữ CEO này chia sẻ thêm rằng Vietjet đang xem xét các phương án để huy động vốn cho kế hoạch đầu tư trong năm 2021 nhưng không nêu con số cụ thể." Tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của chúng tôi là 1.0, thấp hơn so với mức 3.0 của ngành hàng không, do đó chúng tôi có dư địa để linh hoạt các khoản phục vụ phát triển"- Bà Thảo nói thêm.
Vietjet Air vẫn tiếp tục nhận bàn giao máy bay thân hẹp từ Airbus trong năm 2020 dù chuỗi cung ứng của nhà sản xuất này bị gián đoạn dẫn tới lịch bàn giao máy bay bị ảnh hưởng.
Vietjet Air cũng có hợp đồng đặt hàng 200 chiếc 737 MAX từ Boeing nhưng mẫu máy bay này vẫn chưa thể khai thác trở lại tại châu Á sau quãng thời gian dài bị cấm bay toàn cầu.
Theo Planespotters, Vietjet Air hiện có 71 chiếc máy bay, bao gồm 20 chiếc nằm sân không khai thác vì dịch Covid-19. Toàn bộ số này đều là máy bay thân hẹp dòng A320 của Airbus. Cũng theo đơn vị này, chiếc 737 MAX 8 đầu tiên sắp được Boeing bàn giao cho Vietjet Air.
Mới đây, sau những thông báo mới nhất từ FAA và EASA, có thể cho rằng dòng máy bay chở khách Boeing 737 MAX sẽ sớm trở lại bầu trời khi hàng chục hãng hàng không trên toàn cầu đang có những hợp đồng đặt mua trị hàng tỷ USD.
Đầu năm 2019, bên lề hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, Vietjet Air đặt mua 100 máy bay Boeing 737 Max với giá trị lên tới 12,7 tỷ USD. Cụ thể, Vietjet đặt hàng 80 chiếc 737 MAX 10, phiên bản lớn nhất của dòng Boeing 737 và 20 tàu bay 737 MAX 8 chuẩn. Theo Reuters, 100 chiếc 737 này dự kiến được Boeing giao cho Vietjet trong giai đoạn 2022-2025.
Trước đó, vào tháng 5/2016, Vietjet và Boeing đã ký hợp đồng đặt mua 100 máy bay Boeing 737 MAX với trị giá 11,3 tỷ USD. Đây là hợp đồng đặt mua máy bay có giá trị lớn nhất của ngành hàng không Việt Nam lúc đó. Boeing tuyên bố sẽ bàn giao số máy bay này cho Vietjet từ năm 2019 đến 2023. Với những đơn hàng này, Vietjet đã trở thành khách hàng lớn nhất của dòng 737 MAX tại châu Á.
Xem thêm: Vietjet Air được vinh danh là hãng hàng không tăng trưởng nhanh nhất năm 2020 tại Thái Lan
Nguyễn Dung