VCSC dự báo Vietjet thoát lỗ từ năm nay, nhưng đến 2025 biên lãi mảng vận tải mới phục hồi về mức trước dịch

Thùy Dương 16:38 | 12/04/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ngày 11/4, CTCP Hàng không Vietjet (HOSE: VJC) mới công bố báo cáo tài chính kiểm toán 2022 với kết quả kinh doanh hợp nhất lỗ dù doanh thu đã hồi phục 77,7% so với mức trước đại dịch. Về triển vọng năm nay, trong bối cảnh Trung Quốc mở cửa, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) nhận định mảng vận tải quốc tế sẽ dẫn dắt đà phục hồi lợi nhuận cùng quan điểm thận trọng về sản lượng và hiệu suất của mảng vận tải hành khách cho VJC.

Theo báo cáo kiểm toán đã công bố, doanh thu hợp nhất của VJC năm 2022 đạt 40.142 tỷ đồng, trong đó doanh thu vận tải hàng không đạt 33.077 tỷ đồng, lỗ ròng khoảng 2.262 tỷ đồng. Theo báo cáo tự lập trước đó, doanh thu và lãi ròng của hãng lần lượt đạt 39.342 tỷ đồng và âm 2.172 tỷ đồng. Như vậy, sau kiểm toán, cả doanh thu và lãi ròng đều tăng nhẹ lần lượt gần 3% và 4%.

Hãng đã thực hiện được 116.000 chuyến bay, vận chuyển 20,5 triệu lượt hành khách trên 103 đường bay nội địa và quốc tế trong năm 2022. 

Trong năm qua, VJC cho hay chi phí nhiên liệu bay tăng hơn 60%, bình quân ở mức 130 USD/thùng; chi phí kỹ thuật, động cơ bay tăng hơn 20% do chuỗi cung ứng toàn cầu bị chậm và do thiếu nguồn nhân lực đã ảnh hưởng lớn đến chi phí vận hành, dẫn tới kết quả kinh doanh của hãng không đạt được như kỳ vọng.

Nếu năm trước, vận tải hành khách nội địa là nhân tố dẫn dắt sự phục hồi với hơn 99.000 chuyến bay và 17,8 triệu lượt khách, tổng số chuyến bay và lượt khách vượt kế hoạch 15%, thì trong giai đoạn tới (2023 - 2025), theo một báo cáo triển vọng mới đây, nhóm phân tích của VCSC nhận định mảng vận tải quốc tế sẽ dẫn dắt tăng trưởng lợi nhuận của VJC.

Theo các chuyên gia, VJC sẽ được hưởng lợi trên đà tăng trưởng chung của toàn ngành sau đại dịch. Thực tế, theo Cục Hàng không Việt Nam, trong quý I, VJC đã tích cực khai thác đường bay thẳng giữa nước ta và các thành phố của Úc. VCSC đánh giá các đường bay mới đến các thị trường như Ấn Độ, Úc và Kazakhstan cũng như việc nối lại các đường bay đến Trung Quốc sẽ cải thiện sản lượng của VJC bắt đầu từ năm nay.

Dù vậy, nhóm phân tích vẫn giữ quan điểm thận trọng về sản lượng và hiệu suất của mảng vận tải hành khách do giá nhiên liệu máy bay cao. Dựa trên những cơ sở này, VCSC dự báo biên lãi ròng mảng vận tải của VJC sẽ không trở lại mức trước dịch (năm 2019) cho đến ít nhất năm 2025. 

Dự phóng cho năm 2023, VCSC nhận định VJC có thể đạt doanh thu 54.525 tỷ đồng trong khi lãi ròng dự kiến khoảng 2.574 tỷ đồng, có lãi trở lại sau năm 2022 lỗ ròng nhẹ.

 
 

Trong bối cảnh Trung Quốc mở cửa hồi giữa tháng 3 vừa qua, Tổng cục thống kê cho biết, số lượng khách vận tải qua đường hàng không đạt 16 triệu hành khách trong quý I, tăng 99,8% so với cùng kỳ năm trước.

Trong quý, khách quốc tế đến nước ta ước đạt hơn 2,7 triệu lượt người, gấp 29,7 lần cùng kỳ năm trước nhưng vẫn chỉ bằng 60% so với cùng kỳ năm 2019 (năm chưa xảy ra dịch Covid-19). Trong đó, khách đến bằng đường hàng không đạt 2,4 triệu lượt người, chiếm 89,8% lượng khách quốc tế đến Việt Nam và gấp 29,4 lần cùng kỳ năm trước.

Theo đánh giá hồi giữa tháng 3 của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) về thị trường hàng không toàn cầu, sản lượng luân chuyển hành khách quốc tế năm 2023 dự kiến bằng 80% so năm 2019 và nội địa đạt khoảng 95% so với năm 2019.

Tuy nhiên, tốc độ hồi phục tại các khu vực khác nhau. Trong đó, khu vực châu Á - Thái Bình Dương được dự báo phục hồi chậm nhất. Doanh thu vận tải hành khách dự báo tăng và ngành hàng không toàn cầu sẽ có lãi trở lại.

Đối với Việt Nam, IATA nhìn nhận hết năm 2022, thị trường hàng không nội địa đã phục hồi hoàn toàn và có sự tăng trưởng cao so với năm 2019. Thị trường quốc tế dần hồi phục và dự báo sẽ đạt mức 2019 vào cuối năm 2023 và thị trường hàng không Việt Nam sẽ hoàn toàn hồi phục vào cuối năm 2023.