Vietjet (VJC) được dự báo lãi ròng vượt 1.300 tỷ trong năm 2022
Hưởng lợi từ sự phục hồi lượng khách nội địa và quốc tế
Sau đợt dịch Covid-19 quý I/2022, hàng không nội địa bắt đầu phục hồi từ tháng 4 và đã vượt mức trước đại dịch kể từ tháng 5 nhờ hiệu quả kích cầu nội địa.
Chỉ tính riêng quý III/2022, lưu lượng hành khách nội địa đã tăng gấp 87 lần so với cùng kỳ (svck) năm 2021 và tương đương 154,7% trước đại dịch do quý III năm ngoái là thời điểm dịch bùng phát, lượng khách sụt giảm mạnh. Lũy kế 9 tháng đầu năm, lượng khách nội địa tăng 164,6% svck, tương đương 122,9% trước đại dịch.
Về lượng khách quốc tế, nhờ có các chính sách mở cửa và kích cầu du lịch, quý III/2022, lượng khách quốc tế đã vươn lên mạnh mẽ với mức tăng 35 lần svck, bằng 49,8% mức trước đại dịch; 9 tháng đầu năm tăng 164,6% svck, tương đương 122,9 % trước đại dịch.
Về lượng khách luân chuyển hàng không Việt Nam, theo Tổng cục Thống kê (TCTK), chỉ số khách luân chuyển (RPK) tăng 63 lần svck, tương đương 93,3% mức trước dịch nhờ sự khôi phục mạnh mẽ của hàng không nội địa, giúp RPK 9 tháng/2022 tăng 226% svck, tương đương 86,8% mức trước dịch.
Hưởng lợi từ sự phục hồi của lưu lượng hành khách, trong 9 tháng đầu năm 2022, các hãng hàng không Việt Nam đã khai thác tổng cộng 234.370 chuyến bay, tăng trưởng 85,6% so với cả năm 2021. Riêng VJC khai thác gần 86.500 chuyến bay, chiếm 37% toàn ngành và tăng 147% so với 9 tháng đầu năm ngoái.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, cạnh tranh với 2 hãng hàng không lớn khác là Vietnam Airlines và Bamboo Airways, tốc độ tăng trưởng của VJC vượt trội hơn hẳn.
Chứng khoán VNDirect thì chỉ ra rằng thị phần số chuyến bay của các hãng hàng không đã thay đổi rất nhiều trong 5 năm qua. Trong 9 tháng năm nay, thị phần VJC và Bamboo Airways đang dần vươn lên trong khi Vietnam Airlines (Mã: HVN) chứng kiến thị phần giảm từ 54,1% năm 2017 xuống còn 45,3% tính đến hết quý III.
Dự báo lãi ròng Vietjet vượt 1.300 tỷ trong năm 2022
Do căng thẳng giữa Nga và Ukraine, VNDirect dự báo giá nhiên liệu Jet A1 toàn cầu năm 2022 sẽ tăng 79% so với năm ngoái. Sang năm 2023, con số này giảm còn 13%. Giá xăng máy bay năm 2022-2023 duy trì ở mức cao nhất kể từ năm 2015, gây nhiều khó khăn cho các hãng hàng không.
Tuy nhiên, các chuyên gia từ VNDirect tin rằng các hãng hàng không giá rẻ (LCC) sẽ ít bị ảnh hưởng hơn so với các hãng hàng không truyền thống (FSC).
Cụ thể, mức tiêu thụ nhiên liệu phụ thuộc chặt chẽ vào trọng lượng của máy bay. Các máy bay đường dài thường có thân rộng, công suất và trọng lượng lớn. Ngoài ra, các chuyến bay đường dài cũng cần nhiều nhiên liệu khiến máy bay nặng hơn. Ngược lại, máy bay đường ngắn thường là máy bay thân hẹp, có trọng lượng nhẹ hơn nên tốn ít nhiên liệu cất cánh và duy trì độ cao hơn so với máy bay đường dài.
Trong khi đó, hầu hết máy bay của Vietjet đều là dòng thân hẹp, đường ngắn (ngoại trừ hai chiếc A330 mới đón về trong năm qua), nên mức tiêu thụ nhiên liệu trung bình/ghế luân chuyển (ASK) của Vietjet thấp hơn so với Vietnam Airlines, do khoảng 30% số máy bay của Vietnam Airlines là máy bay đường dài thân rộng.
Do đó, VNDirect dự báo chi phí nhiên liệu/ASK của Vietjet sẽ tăng 54,3% trong năm 2022 sau đó giảm 7,1% trong năm 2023, trong khi con số tương ứng với Vietnam Airlines là tăng 65,4% và giảm 8,3%.
Các chuyên gia dự báo biên lãi gộp của Vietjet ở mức khả quan là 0,4% trong năm 2022 và 2% năm 2023, trong khi Vietnam Airlines có thể lỗ gộp 3,5% trong năm nay rồi mới ghi nhận biên lãi gộp 1,4% trong năm sau.
Vietjet cũng được đánh giá ít phải chịu rủi ro liên quan đến đồng USD mạnh lên và lãi suất USD tăng do tỷ trọng vay bằng USD trên tổng dư nợ lớn nhất của Vietjet chỉ là 17,2% (so với 66,3% của Vietnam Airlines) và số dư vay USD tính đến ngày 30/6 là 3.227 tỷ đồng (so với 21.815 tỷ đồng của Vietnam Airlines).
Bên cạnh đó, tỷ lệ đòn bẩy của Vietjet được đánh giá an toàn hơn Vietnam Airlines, cho phép Vietjet có khả năng tài trợ cho việc mở rộng đội bay nhằm phục hồi hoạt động vận tải hàng không quốc tế trong giai đoạn tới. Ngược lại, quy mô đội bay của Vietnam Airlines giảm do các đợt thanh lý tàu bay sẽ hạn chế tiềm năng phục hồi, trong khi Bamboo Airways đang bận rộn trong giai đoạn tái cơ cấu.
Nhìn chung, VNDirect kỳ vọng sản lượng khách nội địa năm 2022 của Vietjet tăng 245%. Tăng trưởng có thể chậm lại đạt mức 12% trong năm 2023 do mức nền của năm 2022 tương đối cao.
Đối với đường bay quốc tế, sản lượng khách của Vietjet được dự báo có thể đạt 2,43 triệu lượt trong năm 2022 (so với 0,1 triệu khách năm 2021) và sang năm 2023 có thể tăng 223% lên mức 7,83 triệu khách, tương đương 97,4% mức cơ sở 2019 khi dịch chưa bùng phát.
Rủi ro về chính sách Zero COVID đối với Vietjet không cao do tỷ lệ khách Trung Quốc trên tổng lượng khách của Vietjet trước dịch khá thấp.
Từ những yếu tố trên, VNDirect ước tính lợi nhuận ròng của Vietjet có thể đạt 1.317 tỷ trong năm 2022 từ mức 175 tỷ trong năm 2021, sau đó tăng 168% trong năm 2023 đạt 3.533 tỷ đồng.