Vietnam Airlines (HVN) bị kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục
Vietnam Airlines bị giảm lãi sau soát xét
Báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm 2024 của Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (mã: HVN) ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm 74 tỷ đồng so báo cáo công ty tự lập trước đó, đạt 5.194 tỷ đồng.
Với khoản lợi nhuận trong nửa đầu năm kể trên, lỗ lũy kế trên bảng cân đối kế toán của Vietnam Airlines đã giảm xuống còn 35.907 tỷ đồng, theo đó vốn chủ sở hữu vẫn còn âm 11.633 tỷ đồng.
Vietnam Airlines cho biết kết quả kinh doanh hợp nhất 6 tháng đầu năm tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do công ty mẹ và các công ty con đều kinh doanh có lãi. Công ty còn ghi nhận khoản thu nhập khác tăng mạnh do công ty con Pacific Airlines được đối tác xóa nợ theo thỏa thuận trả tàu bay...
Đáng chú ý, trong báo cáo soát xét lần này, đơn vị kiểm toán KPMG vẫn đưa ý kiến nhấn mạnh về việc tại ngày 30/6, nợ ngắn hạn của Vietnam Airlines và các công ty con đã vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền 40.787 tỷ đồng, khoản phải trả đã quá hạn là 13.351 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu của hãng bay âm 11.633 tỷ đồng.
Theo phía kiểm toán, khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines sẽ phụ thuộc chủ yếu vào việc được gia hạn thanh toán các khoản vay từ các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng và các khoản phải trả cho nhà cung cấp và bên cho thuê, cũng như khả năng thành công của Đề án tái cơ cấu đang được các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
"Những vấn đề này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn tới nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của công ty", đơn vị kiểm toán nhấn mạnh.
Giải trình về biện pháp, lộ trình khắc phục tình trạng cổ phiếu HVN bị kiểm soát, Vietnam Airlines cho biết đã hoàn thành Đề án cơ cấu lại giai đoạn 2021-2025 và đã báo cáo cổ đông cùng cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt.
Theo đề án, trong năm 2024-2025, Vietnam Airlines sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để khắc phục tình trạng âm vốn chủ sở hữu hợp nhất như: thực hiện các giải pháp để tăng cường thích nghi và kinh doanh có lãi; tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để gia tăng thu nhập, dòng tiền.
Tình hình kinh doanh Vietnam Airlines
Trước đó, Vietnam Airlines công bố báo cáo tài chính quý II/2024 ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 24.858 tỷ đồng, tăng 20,4% so với quý II/2023. Sau khi trừ giá vốn, doanh nghiệp này lãi gộp 2.713 tỷ đồng, tăng 162% so với cùng kỳ năm trước.
Trong quý, doanh thu hoạt động tài chính của Vietnam Airlines tăng đột biến, gấp gần 2 lần so với quý II/2023 ở mức 191,4 tỷ đồng. Chi phí tài chính cũng tăng gấp đôi so với cùng kỳ lên 1.429 tỷ đồng do lỗ tỷ giá. Các phi phí khác đều giảm so với cùng kỳ.
Đặc biệt, khoản lợi nhuận khác của Vietnam Airlines trong quý này ghi nhận 903,7 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ 184,1 tỷ đồng, theo giải thích của hãng thì khoản lợi nhuận này chủ yếu đến từ việc Pacific Airlines được các đối tác xóa nợ.
Sau khi trừ đi tất cả chi phí, Vietnam Airlines báo lãi 1.034 tỷ đồng trong quý II/2024, giảm 76% so với quý I/2024, tuy nhiên vẫn tích cực hơn nhiều so với khoản lỗ 1.348 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Vietnam Airlines ghi nhận tổng doanh thu thuần đạt 53.126 tỷ đồng, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 5.475 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ 1.386 tỷ đồng.
Tại thời điểm ngày 30/6, tổng tài sản của Vietnam Airlines này ở mức 57.791 tỷ đồng, tăng 75 tỷ đồng so với số đầu năm, chủ yếu là tài sản dài hạn với 41.461 tỷ đồng, tài sản ngắn hạn là 16.329 tỷ đồng, khoản tiền và tương đương tiền là 2.652 tỷ đồng.
Tổng số nợ của doanh nghiệp này tính đến cuối tháng 6/2024 là 69.324 tỷ đồng, trong đó nợ vay tài chính của doanh nghiệp này ở mức hơn 23.300 tỷ đồng.
Thời điểm cuối quý II/2024, Vietnam Airlines vẫn còn lỗ lũy kế 35.811 tỷ đồng, giảm 5.246 tỷ đồng so với số đầu năm, vốn chủ sở hữu của công ty vẫn âm 11.533 tỷ đồng.