Vietnam Airlines: Lỗ 16 quý liên tiếp nhưng vẫn tăng lương, thưởng dàn lãnh đạo
Lỗ luỹ kế 41.000 tỷ
Theo báo cáo tài chính hợp nhất vừa công bố, HVN ghi nhận doanh thu thuần tăng vọt 23% so với cùng kỳ, đạt 23.830 tỷ. Thế nhưng hoạt động cốt lõi tiếp tục đi xuống, lỗ gộp tới 189 tỷ đồng.
Điểm sáng là chi phí tài chính và chi phí bán hàng giảm mạnh so với cùng kỳ, xuống mức tương ứng 750 tỷ đồng và 990 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty có thêm lợi nhuận khác 285 tỷ đồng trong quý IV/2023.
Trong 3 tháng cuối năm, Vietnam Airlines chứng kiến hoạt động cốt lõi đi xuống so với 3 quý trước đó. Hãng hàng không này dù ghi nhận doanh thu tăng vọt so với cùng kỳ, nhưng vẫn lỗ gộp 189 tỷ đồng.
Điểm sáng nằm ở chỗ chi phí tài chính và chi phí bán hàng giảm rất mạnh so với cùng kỳ, xuống mức tương ứng 750 tỷ đồng và 990 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty có thêm lợi nhuận khác 285 tỷ đồng trong quý IV/2023.
Trong quý IV/2023, Vietnam Airlines lỗ ròng 2.065 tỷ đồng. Đây đã là quý lỗ thứ 16 liên tiếp của doanh nghiệp này, dù mức lỗ đã nhẹ hơn cùng kỳ.
Đến nay, hãng hàng không quốc gia đã lỗ ròng 4 năm liên tiếp, lỗ lũy kế gần 41.000 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu âm gần 17.000 tỷ đồng.
Trong dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán, khoản mục hủy niêm yết bắt buộc đã được bổ sung điều Khoản 7, quy định “Trường hợp đặc biệt cần duy trì niêm yết do Chính phủ xem xét, quyết định”.
Điều khoản dự thảo bổ sung này có thể được xem là “phao cứu sinh” để cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines tiếp tục duy trì niêm yết trên sàn HOSE.
Lũy kế cả năm 2023, hãng hàng không quốc gia ghi nhận doanh thu thuần gần 91.460 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ. Doanh thu vận tải hàng không chiếm gần 80%, còn lại là doanh thu bán hàng, hoạt động phụ trợ vận tải và sửa chữa máy bay.
Dù doanh thu tăng nhưng sau thuế, Vietnam Airlines báo lỗ ròng hơn 5.500 tỷ đồng.
“Đây là kết quả khả quan của tổng công ty trong giai đoạn phục hồi sau covid và trong bối cảnh môi trường kinh doanh còn nhiều khó khăn, thách thức”, văn bản giải trình của Vietnam Airlines nêu.
Bên cạnh đó, trong năm 2023, tổng công ty đã chủ động triển khai hàng loạt các giải pháp ngắn hạn và dài hạn để giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh covid và cải thiện kết quả sản xuất kinh doanh và bổ sung nguồn vốn và dòng tiền cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên do thị trường vận chuyển quốc tế vẫn chưa phục hồi hoàn toàn, tình hình thị trường vận tải hàng không trong ngoài nước gặp nhiều khó khăn do suy giảm cầu, tình trạng thừa tải và cạnh tranh cao cộng thêm các yếu tố tiêu cực phát sinh như giá nhiên liệu tăng cao, xung đột Nga- Ukraine, Israel- Palestine tại Dải Gaza và các rủi ro tài chính (tỷ giá, lãi suất) gia tăng nên hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn tiếp tục bị thua lỗ trong quý IV và cả năm 2023.
“Theo dự báo, thị trường quốc tế sẽ từng bước được phục hồi, hoạt động sản xuất kinh doanh của tổng công ty cũng sẽ có kết quả tích cực hơn vào năm 2024-2025”, công ty dự báo.
Chi gần 1.600 tỷ cho chi phí lãi vay
Trên bảng cân đối kế toán, hãng bay này sở hữu tổng tài sản gần 58.000 tỷ, trong đó có hơn 14.800 tỷ đồng tài sản ngắn hạn tại cuối năm 2023. Lượng tiền mặt và đầu tư tài chính ngắn hạn gần 3.500 tỷ đồng và khoản phải thu ngắn hạn ở mức 6.000 tỷ. Dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi cũng tăng lên 330 tỷ.
Tổng nợ đến hết năm 2023 ghi nhận hơn 74.000 tỷ, trong đó hơn 27.000 tỷ là vay nợ tài chính, chiếm gần một nửa tổng tài sản. Trong năm 2023, Vietnam Airlines đã phải chi tới 1.555 tỷ cho chi phí lãi vay, tác động không nhỏ đến kết quả chung.
Tăng lương, thù lao cho dàn lãnh đạo
Trong năm 2023, khoản chi tiền lương, thù lao của Hội động quản trị, Ban kiểm soát, Ban điều hành của hãng hàng không quốc gia đã tăng 11% lên gần 13 tỷ. Chủ tịch HĐQT Đặng Ngọc Hoà và Tổng Giám đốc Lê Hồng Hà đều nhận về gần 1,2 tỷ, không có thay đổi nhiều so với năm 2022. Các thành viên khác nhận về từ 23 triệu đến hơn 950 triệu đồng.