Vietnam Airlines lỗ sau kiểm toán năm thứ 3 liên tiếp, nguy cơ bị hủy niêm yết

Đông Bắc 10:49 | 11/12/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (HoSE: HVN) vừa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 với khoản lỗ sau thuế hơn 11.200 tỷ đồng. Đây là lỗ sau kiểm toán năm thứ 3 liên tiếp của Vietnam Airlines.

  

Theo đó, năm 2022,  Vietnam Airlines có doanh thu hợp nhất đạt hơn 70.792 tỷ đồng, cao hơn 20% so với kế hoạch mà cổ đông hãng đã thông qua trước đó và gấp 2,5 lần kết quả năm 2021.

Doanh thu sau kiểm toán bị điều chỉnh giảm 168 tỷ đồng so với số liệu công ty tự lập. Sau khi trừ giá vốn, Vietnam Airlines lỗ gộp 2.876 tỷ đồng.

Doanh thu tăng cũng kéo theo chi phí bán hàng tăng gấp 2,6 lần cùng kỳ lên 3.195 tỷ đồng do tăng chi phí đặt vé giữ chỗ và chi phí khác.

Kết quả, Vietnam Airlines lỗ 11.223 tỷ đồng sau thuế trên báo cáo kiểm toán. Dù cải thiện và giảm lỗ hơn 2.000 tỷ đồng so với năm 2021, số lỗ khủng kể trên vẫn khiến Vietnam Airlines nâng tổng lỗ lũy kế lên hơn 35.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 11.055 tỷ đồng.

 

   Vietnam Airlines lỗ sau kiểm toán năm thứ 3 liên tiếp. 

Trong 9 tháng đầu năm 2023, hãng bay này còn báo lỗ tiếp 3.534 tỷ đồng. Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp ước tính Vietnam Airlines có thể lỗ trước thuế hơn 4.500 tỷ đồng trong năm 2023.

Do báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 tiếp tục báo lỗ, Vietnam Airlines đang đối mặt nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc cổ phiếu do lỗ 3 năm liên tiếp.

Tính đến 31/12/2022, tiền và các khoản tương đương tiền của Vietnam Airlines đạt 2.490 tỷ đồng, tăng 777 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.

Trong năm 2022, Vietnam Airlines đã thanh lý, nhượng bán các máy bay, động cơ máy bay với tổng giá trị hơn 797 tỷ đồng; hơn 20 tỷ đồng máy móc thiết bị, phương tiện vận tải mặt đất.

Tổng cộng tài sản cân đối với nguồn vốn đến cuối năm này của hãng còn 60.636 tỷ đồng, giảm hơn 2.400 tỷ đồng so với đầu năm.

Ở chiều ngược lại, tổng nợ phải trả của  Vietnam Airlines tăng mạnh hơn 9.100 tỷ đồng, lên 71,691 tỷ đồng. Trong đó, vay nợ thuê tài chính ngắn hạn 13.400 tỷ đồng và vay nợ thuê tài chính dài hạn 14.868 tỷ đồng.

Hồi tháng 11 vừa qua, Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines đã liên tục hoãn và dời ngày tổ chức đại hội với lý do cần có thêm thời gian chuẩn bị. Hồi tháng 4, HĐQT ra nghị quyết chốt thời gian tổ chức đại hội vào ngày 20/6. Sau đó công ty dự kiến tổ chức đại hội trước ngày 30/8. Đến ngày 10/7, HĐQT lại thông qua việc lùi thời gian tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2023 với lý do “công ty cần có thêm thời gian chuẩn bị”.

Lần gần nhất, HĐQT Vietnam Airlines lại tiếp tục thay đổi ngày diễn ra đại hội từ ngày 15/11 sang ngày 21/11 với lý do "kế hoạch công tác của lãnh đạo tổng công ty thay đổi".

Cổ phiếu HVN sẽ ra sao nếu bị hủy niêm yết?

Sau khi chính thức công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 với khoản lỗ sau thuế hơn 11.200 tỷ đồng, Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (HoSE: HVN) đang đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc cổ phiếu trên HoSE.

Theo quy định, một cổ phiếu có thể hủy niêm yết bằng hình thức bắt buộc hoặc tự nguyện.

Diện bắt buộc xảy ra khi doanh nghiệp niêm yết nằm trong một số trường hợp cơ bản như có hoạt động kinh doanh bị ngừng 1 năm trở lên; thua lỗ 3 năm liên tiếp, lỗ lũy kế vượt vốn chủ sở hữu trong báo cáo tài chính kiểm toán gần nhất hoặc công ty bị thu hồi giấy phép hoạt động/đăng ký kinh doanh.

Trong khi đó, doanh nghiệp có thể tự nguyện hủy niêm yết cổ phiếu khi hoạt động kinh doanh thua lỗ trong nhiều năm liên tiếp, vốn hóa thị trường giảm trầm trọng; quyết định của cổ đông, trong đó có trên 50% số phiếu biểu quyết (không phải là cổ đông lớn) chấp nhận hủy niêm yết. Tuy nhiên, doanh nghiệp không được đề nghị hủy niêm yết trong vòng 2 năm kể từ ngày niêm yết.

Dù cổ phiếu bị hủy niêm yết, nhà đầu tư vẫn có thể giao dịch nếu doanh nghiệp đăng ký chuyển về thị trường UPCoM với các quy định khác biệt về biên độ giao dịch cũng như công bố thông tin so với HoSE.

Trường hợp doanh nghiệp không chuyển cổ phiếu xuống giao dịch tại UPCoM, nhà đầu tư phải tự tìm kiếm những người có nhu cầu mua cổ phiếu, hai bên sẽ tự quyết định mức giá giao dịch, khối lượng cổ phiếu. Thực tế, vẫn có một số nhà đầu tư lớn thu mua những cổ phiếu này với mục đích tái cấu trúc hoặc thâu tóm doanh nghiệp. Đây là cơ hội để bán cổ phiếu bị hủy niêm yết không chuyển sàn nhanh nhất.

Theo Công ty Chứng khoán Pinetree, khi cổ phiếu doanh nghiệp bị hủy niêm yết nhà đầu tư cần sớm liên hệ với phòng cổ đông của công ty để được cấp lại sổ, xem lại chính sách thu mua cổ phiếu của doanh nghiệp.

Cổ phiếu đang nắm giữ bị hủy niêm yết là điều không nhà đầu tư nào mong muốn. Tuy nhiên, trong trường hợp xấu nhất, nhà đầu tư cẩn bình tĩnh xử lý, theo dõi thông tin để hạn chế thất thoát vốn. Khi đầu tư vào những cổ phiếu mang tính rủi ro cao, không nên “gồng lỗ” vượt quá mức chịu đựng rủi ro của tài khoản.

Công ty chứng khoán cũng đưa lời khuyên nên bán ngay cổ phiếu khi chuyển sang giao dịch tại UPCoM để thu hồi vốn.