Viettel Construction (CTR): Doanh thu dự báo vượt 10.000 tỷ trong năm nay

Thùy Dương 08:24 | 08/03/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Với sự bùng nổ các dịch vụ số, các doanh nghiệp viễn thông có cơ hội tham gia cung cấp hạ tầng, kết nối và gia nhập chuỗi cung ứng dịch vụ số cho xã hội.

Năm 2022, Tổng Công ty cổ phần Công trình Viettel (Viettel Construction, HOSE: CTR) ghi nhận doanh thu thuần đạt 9.370 tỷ đồng, tăng gần 26% so với năm trước. Đóng góp lớn vào tăng trưởng doanh thu tới từ các lĩnh vực xây lắp, thương mại và dịch vụ kỹ thuật. Lãi ròng năm 2022 đạt 444 tỷ đồng, tăng hơn 18%.

Sang năm 2023, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực viễn thông thế giới, tiêu biểu như ông Adolfo Hernandez, Phó Chủ tịch bộ phận kinh doanh viễn thông tại Amazon Web Services nhận định đây có thể là năm dấu điểm khởi đầu của việc kiếm tiền từ 5G. Theo Hiệp hội Hệ thống thông tin di động toàn cầu (GSMA), 34/50 quốc gia đã triển khai 5G và ngày càng nhiều smartphone trên thị trường hỗ trợ mạng 5G.

Trong khi đó, tại Việt Nam, CTR dự kiến sẽ hưởng lợi từ đợt đấu giá băng tần mới 4G/5G sắp tới. Một số phân tích cho rằng việc triển khai băng tần mới 4G, cùng với việc mở rộng thị phần di động của Tập đoàn Viettel sẽ là động lực tăng trưởng cho mảng khai thác và cho thuê hạ tầng viễn thông của CTR.

Trên đà phát triển mạnh mẽ của ngành công nghệ viễn thông cùng những tiềm năng tích cực như vậy, thời gian vừa qua, một số công ty chứng khoán liên tiếp tung dự phóng sáng sủa cho CTR trong năm nay.

VCBS: Doanh thu của CTR có thể vượt 11.000 tỷ trong năm nay

Đầu tiên, Công ty Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (VCBS) dự phóng doanh thu của CTR đạt 11.040 tỷ đồng, tăng gần 18% so với thực hiện năm 2022 và lãi ròng ước đạt 508 tỷ đồng, tăng hơn 14%. Với tiềm năng của doanh nghiệp, VCBS khuyến nghị trung lập cổ phiếu CTR với mức định giá hợp lý là 54.254 đồng/cp.

Theo đánh giá của VCBS, CTR còn nhiều dư địa để duy trì mức tăng trưởng tích cực trong dài hạn với những mảng kinh doanh chủ lực.

Theo đó, nhóm phân tích dự báo mảng vận tải khai thác (VTKT) sẽ là điểm sáng khi duy trì mức tăng trưởng trên 10%/năm trong ít nhất 2 - 3 năm tới và đóng góp 300 - 400 tỷ đồng dòng tiền mỗi năm cho CTR.

 Nguồn: VCBS

Dự báo lĩnh vực xây dựng, dịch vụ dân dụng có dư địa tăng trưởng dồi dào nhờ quy mô thị trường lớn; lợi thế từ độ phủ tới các địa phương và thị trường cung cấp dịch vụ xây lắp nhà ở riêng lẻ và sửa chữa, tích hợp thiết bị hộ gia đình chưa có nhiều sự tham gia của các doanh nghiệp chuyên nghiệp.

 Nguồn: VCBS

Đối với mảng hạ tầng cho thuê (HTCT), động lực tăng trưởng chủ yếu sẽ vẫn đến từ nhu cầu mở rộng hạ tầng phát sóng 4G của Viettel. Trong khi đó, hạ tầng 5G nhiều khả năng sẽ chưa thể đẩy mạnh triển khai trong giai đoạn 2023 - 2024.

 Nguồn: VSBS

Tuy vậy, VCBS cho rằng tốc độ tăng trưởng của CTR sẽ chịu áp lực nhất định tới từ chi phí lãi vay gia tăng đáng kể từ năm 2023 (đặc biệt trong môi trường lãi suất neo cao) và tác động tiêu cực đến hiệu quả lợi nhuận của công ty.

VCSC: Mảng viễn thông là động lực dẫn dắt tăng trưởng cho CTR

Trong năm 2023, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) dự báo CTR ghi nhận doanh thu đạt 10 nghìn tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2022 và lãi ròng sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 476 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ. Các chuyên gia kỳ vọng doanh thu và lợi nhuận cao hơn sẽ được dẫn dắt bởi các mảng liên quan đến viễn thông (cụ thể là Towerco và vận hành) nhưng bị ảnh hưởng bởi mức tăng trưởng thấp của mảng xây dựng.

Bên cạnh đó, VCSC cũng đưa ra rủi ro cho quan điểm tích cực trên qua 4 yếu tố. Thứ nhất, tăng trưởng tiêu thụ dữ liệu di động chững lại. Tiếp theo, Viettel ưu tiên sở hữu trạm viễn thông thay vì thuê ngoài CTR. Thứ ba là không sẵn sàng chia sẻ trạm viễn thông giữa các công ty viễn thông và cuối cùng, hoạt động xây dựng có thể thấp hơn dự kiến do triển vọng kém khả quan của thị trường bất động sản.

Theo sách trắng về tài nguyên Internet Việt Nam của Bộ Thông tin & Truyền thông (MIC), tỷ lệ truy cập Internet của Việt Nam trên tổng dân số và tỷ lệ thâm nhập 3G/4G của người dùng điện thoại thông minh lần lượt là 73% và 95% vào năm 2022. Nhóm phân tích cũng kỳ vọng việc chuyển sang 4G ngày càng tăng sẽ dẫn đến việc ngừng hoạt động của sóng 2G vào năm 2024. Ngoài ra, quyết định mới về chi tiết thủ tục đấu thầu tần số vô tuyến điện được sử dụng cho mạng 4G và 5G cho thấy nhu cầu cao hơn về đầu tư cơ sở hạ tầng viễn thông của các nhà khai thác mạng di động (MNO) trong tương lai.

Sự tăng trưởng ổn định của các mảng liên quan đến viễn thông khác được cho là sẽ bù đắp phần nào mức tăng trưởng chậm của mảng xây dựng khu dân cư. VCSC tin rằng các mảng vận hành và xây dựng viễn thông (chiếm hơn 60% doanh thu của CTR) vẫn còn nhiều dư địa để phát triển khi công ty mẹ của CTR là Tập đoàn Viettel tiếp tục giành thị phần trong các dịch vụ viễn thông thông qua việc cải thiện chất lượng mạnh mẽ trong khi các MNO khác đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong đường truyền kết nối mạng di động.

 

 

Năm 2023, Viettel Construction đặt mục tiêu doanh thu 10.338 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 613 tỷ đồng , cùng tăng trưởng 10% so với kết quả thực hiện năm 2022.

Cuối tháng 2, công ty vừa có thông báo dự kiến tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 trong khoảng thời gian từ 10/4 đến 20/4. Cùng đó là thông báo miễn nhiệm ông Lê Hữu Hiền, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty vì nghỉ hưu theo chế độ. Quyết định có hiệu lực từ 1/3.