Vinamilk: Nguồn lực tài chính tốt giúp doanh nghiệp đứng vững trước nhiều sóng gió'
9 tháng hoàn thành 70% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận
Theo báo cáo tài chính quý III được Vinamilk công bố, tổng doanh thu thuần trong quý đạt 16.079 tỷ đồng, giảm 0,7% so với cùng kỳ do doanh thu từ nước ngoài giảm 5,6%. Trong khi đó, doanh thu của công ty mẹ tăng nhẹ 0,2% so với quý III/2021 và 10,5% so với quý II. Biên lãi gộp giảm 3,4% do VNM vẫn đang sử dụng bột sữa nguyên liệu và đường nguyên liệu được thu mua với mức giá cao từ quý trước, dẫn tới giá vốn cao.
Doanh thu nội địa trong quý III tăng nhẹ 0,2% lên 13.775 tỷ đồng so với cùng kỳ chủ yếu nhờ doanh thu từ CTCP Giống Bò sữa Mộc Châu (MCM) tăng 4,6% sau khi ra mắt hai sản phẩm mới sữa tươi vị đậu đỏ – dòng sản phẩm sữa tươi bổ sung vị sữa hạt đầu tiên trên thị trường – và Sữa chua uống men sống Yo-Pro. Trong khi đó, doanh thu công ty mẹ (không bao gồm MCM) đi ngang trong quý III, nhưng cải thiện 11,3% so với quý trước.
Trong 9 tháng, Vinamilk ghi nhận doanh thu thuần đạt 44.888 tỷ đồng, giảm 0,2% và lãi ròng 6.708 tỷ đồng, giảm 20,3% so với 9 tháng 2021. Như vậy, Vinamilk đã hoàn thành 70% kế hoạch doanh thu và 69% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Đến hết quý III, Vinamilk ghi nhận lỗ tỷ giá tương đương 152 tỷ đồng, tăng mạnh 642% và chi phí lãi vay 50 tỷ đồng, tăng 105% so với cùng kỳ do biến động tỷ giá và lãi suất tăng. Do đó VNDIRECT điều chỉnh giảm dự phóng thu nhập tài chính ròng của doanh nghiệp xuống 8,8% trong năm 2022 so với dự báo cũ.
Tính tới 30/9, Vinamilk có tổng tài sản 51.199,9 tỷ đồng, giảm nhẹ 4% từ đầu năm. Trong đó tiền và các khoản tương đương tiền 2.868 tỷ đồng, tăng 22%, đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn 19.534 tỷ đồng, giảm 7% so với số đầu năm. Hàng tồn kho chỉ còn 5.777 đồng.
Đến hết quý III, Vinamilk còn 17.356 tỷ đồng nghĩa vụ nợ, không thay đổi nhiều từ đầu năm. Trong đó 16.983 tỷ đồng là nợ ngắn hạn. Khoản vay ngắn hạn và dài hạn ghi nhận 9.478 tỷ đồng, tức gần 55% tổng số nợ. Vốn chủ sở hữu đến 30/9 ghi nhận 33.844 tỷ đồng.
Về tình hình lưu chuyển tiền tệ, dòng tiền thuần từ kinh doanh ghi nhận 7.190 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ năm trước do sự suy giảm của lợi nhuận trong hoạt động kinh doanh tước thay đổi vốn lưu động. Dòng tiền đầu tư dương 1.444 tỷ đồng, đến từ khoản thu từ tiền gửi có kỳ hạn hơn 1.520 tỷ đồng. Dòng tiền từ hoạt động tài chính âm 8.129 tỷ đồng do công ty trả nợ gốc vay và chi trả cổ tức.
Áp lực lạm phát, sự cạnh tranh và biến động của tỷ giá
Theo Tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor, mức tiêu dùng ngành sữa đã ổn định và phục hồi so với cùng kỳ, tuy nhiên có sự phân hóa rõ rệt giữa hai phân khúc phổ thông và cao cấp. Trong đó, thu nhập của những người có thu nhập thấp và trung bình chưa bắt kịp với tỷ lệ lạm phát tăng nhanh, dẫn đến nhu cầu yếu hơn hoặc sử dụng các sản phẩm thay thế với giá rẻ hơn. Bên cạnh đó, VNM đang phải đối mặt với áp lực cạnh tranh ngày càng tăng ở hầu hết các dòng sản phẩm.
VNDIRECT cho biết một số đối thủ cạnh tranh của Vinamilk bao gồm Friso, TH True Milk hay Vita Dairy. Vita Dairy là một trong ba công ty sản xuất sữa bột công thức lớn nhất thị trường nội địa sau Vinamilk và Nutifood, và đang tiếp tục lấn sân sang phân khúc sữa nước với sản phẩm sữa non tươi "Colos Fresh Milk". Bên cạnh TH True Milk, Vita Dairy sẽ là một trong những đối thủ cạnh tranh của VNM trên thị trường sữa nước.
Chuyên gia cho biết VNM sẽ phải đối mặt với một thách thức mới từ biến động tỷ giá khi 50% nguyên liệu sữa của Vinamilk được nhập khẩu từ Châu Âu để sản xuất sữa bột và bột dinh dưỡng. Tỷ giá USD/VND đã tăng lên mức 24.835 đồng, tức 8,7% so với đầu năm. Do vậy, VNDIRECT điều chỉnh giảm dự phóng giá bột sữa nguyên liệu trong năm 2022 và 2023 xuống lần lượt 2,8% và 3,8%, đồng thời tăng dự phóng tỷ giá lên 3,2% và 5,2%, biên lãi gộp dự phóng gần như không thay đổi so với trước đó. Mức giá giảm thấp hơn sẽ bù đắp cho ảnh hưởng biến động tỷ giá đến biên lãi gộp trong 2023.
Sức khỏe tài chính tốt giúp Vinamilk duy trì hoạt động
VNDIRECT đánh giá doanh nghiệp sữa này có sức khỏe tài chính tốt trong môi trường tăng lãi suất và biến động tỷ giá. Theo đó, Vinamilk có lượng tiền mặt ròng cao (10.718đ/cp) và đòn bẩy tài chính ở mức thấp 0,3 lần (~98% nợ vay bằng USD tại ngân hàng với lãi suất thả nổi). Điều này giúp công ty giảm thiểu được rủi ro do lãi suất tăng và biến động tỷ giá.
Thời gian gần đây khi thị trường chứng khoán bắt đầu thể hiện sự bất ổn, cổ phiếu Vinamilk vẫn duy trì nhịp giao dịch tương đối ổn định. Trong quý 3, cổ phiếu VNM được khối ngoại mua ròng gần 12,6 triệu cổ phiếu, tương đương khoảng 920 tỷ đồng.
Trong năm 2022, Vinamilk đã tăng giá bán bình quân 5,5% so với cùng kỳ, do đó VNDIRECT dự phóng công ty sẽ duy trì thị phần đi ngang trong giai đoạn 2023 - 2024, sản lượng hàng bán nội địa cùng tăng 3% và giá bán sẽ không đổi trong 2023 và tăng 1% trong 2024. Bên cạnh đó, chuyên gia dự báo tăng trưởng doanh thu xuất khẩu trong 2 năm tới sẽ đạt lần lượt 7 và và 8,1% so với cùng kỳ do nhu cầu tiêu thụ sữa phục hồi tại thị trường Trung Đông. Do đó, doanh thu thuần của Vinamilk trong 2 năm dự phóng tăng lần lượt 3,7% và 4,7%.