VinFast khởi động tham vọng trở thành hãng xe điện hàng đầu tại Đông Nam Á?
Đăng ký loạt mẫu xe tại Indonesia
Mới đây, báo chí và dư luận xã hội trong nước lại sôi sục trước những thông tin liên quan đến kế hoạch mới của VinFast. Doanh nghiệp thành viên của Vingroup đã đăng ký bản quyền sản phẩm tại Indonesia - một trong những quốc gia hàng đầu về sản xuất ô tô tại Đông Nam Á.
Cụ thể, cơ sở dữ liệu sở hữu trí tuệ của Bộ Tư pháp và Nhân quyền Indonesia đã cho thấy VinFast đã đăng ký 5 mẫu xe tại quốc gia này bao gồm: 5 mẫu ô tô và 1 mẫu xe máy điện.
Theo đó, mã đăng ký A00201800771 và A00201800772 được tờ Detikoto của Indonesia tiết lộ rằng có mẫu thiết kế tương tự như VinFast Lux A2.0 và Lux SA2.0. Hình ảnh đăng ký là bản vẽ concept nhưng có nhiều điểm chung với cặp SUV và sedan được VinFast giới thiệu từ năm 2018. Tuy nhiên, người thiết kế lại là Filippo Perini - Cựu Giám đốc Thiết kế của Italdesign, trong khi Lux SA2.0 và Lux A2.0 được vẽ lên bởi Pininfarina.
Còn 3 mẫu ô tô còn lại là ô tô điện, mã đăng ký A00202002969 là mẫu VinFast VF e35 sắp ra mắt tại thị trường Việt Nam, thuộc phân khúc SUV cỡ D. Mã đăng ký A00201802400 được cho thuộc phân khúc hạng A, đáng chú ý xuất hiện mẫu xe có mã đăng ký A00201802432 hoàn toàn lạ lẫm.
Thông tin dữ liệu đăng ký bản quyền của VinFast tại quốc gia Đông Nam Á này còn cho biết 3 nhà thiết kế Giovanni Guglielmo Cartia, Dimitri Vicedomini và Nazzareno Epifani là bộ ba chịu trách nhiệm tạo nên kiểu dáng của dòng xe VF e35. Nổi bật nhất là cái tên Giovanni Guglielmo Cartia, Giám đốc Thiết kế toàn cầu của Pininfarina. VF e35 vốn được coi là sản phẩm chiến lược của doanh nghiệp tại Việt Nam, Bắc Mỹ; động thái này có thể thấy VinFast cũng dùng sản phẩm này cho thị trường Indonesia sắp tới.
Ngoài những sản phẩm ô tô đề cập ở trên, Vinfast cũng đăng ký một mẫu xe máy điện mang Klara tại Indonesia.
Nếu lên kế hoạch "đánh chiếm" thị phần tại quốc gia này thì hãng xe đến từ Việt Nam sẽ phải trải qua những thử thách nào?
Đầu tiên, đăng ký bản quyền mới chỉ là bước đầu. Để tham gia vào một thị trường nhất định, VinFast cần ít nhất là một đơn vị nào đó ở Indonesia đứng ra nhập khẩu xe của VinFast về và phân phối, rồi sau đó chịu trách nhiệm bảo hành. Nếu không muốn thông qua một đơn vị khác, VinFast sẽ phải tự mở hệ thống showroom khắp quốc gia, hoặc chí ít là tại những nơi VinFast nhắm tới, rồi sẽ phải lên kế hoạch truyền thông, bán hàng và duy trì hoạt động. Chắc chắn sẽ còn phải chờ thêm một thời gian nữa mới thấy được những bước mới trong chiến lược của hãng.
Thứ hai, giải thích về lý do nhắm đến thị trường tại quốc gia Đông Nam Á, nhà quan sát từ Viện Công nghệ Bandung (ITB) của Indonesia Yannes Martinus Pasaribu cho rằng: Sức tiêu thụ của thị trường Việt Nam chỉ ở vài trăm nghìn chiếc mỗi năm là khá nhỏ, vì vậy VinFast cần tìm đến thị trường triệu xe như Indonesia.
Vị chuyên gia nhận định chiến lược thâm nhập thị trường của VinFast "không phải để cạnh tranh trực tiếp với động cơ đốt trong, vốn có rất nhiều nhà máy lắp ráp ở Indonesia và bị các hãng Nhật Bản chi phối" như Toyota, mà vũ khí mũi nhọn chính là xe điện. Nhưng điều đó không có nghĩa là các hãng xe Nhật không phải là đối thủ bởi họ cũng đang nắm bắt xu hướng với hàng loạt mẫu xe điện tung ra trên thị trường.
Bên cạnh đó, VinFast cũng sẽ phải đối mặt với loạt các đối thủ cạnh tranh trong khu vực: Hãng xe nội địa Indonesia Esemka hay Proton - thương hiệu đến từ Malaysia...
Tại Indonesia, hiện xe điện vẫn chưa hấp dẫn người tiêu dùng nên những dòng xe hybrid đang nổi lên trở thành đối thủ cạnh tranh "khó nhằn" đối với Vinfast hơn cả những chiếc xe điện thông dụng. Tại quốc gia vạn đảo, Toyota Corolla Cross là mẫu xe hybrid bán chạy nhất, chiếm 58% thị phần (EV + hybrid). Trong khi đó, chưa đầy một năm ra mắt, nhưng xe điện Hyundai (bao gồm Kona EV và IONIQ Electric) đã bán được hơn 500 chiếc.
Do đó, chắc chắn VinFast sẽ phải chuẩn bị thật kỹ cho cả một hệ sinh thái để có thể kinh doanh suôn sẻ.
Đánh tiếng hợp tác với hàng loạt với hãng pin xe điện
Theo nguồn tin từ hãng Wapcar, VinFast đang tiến hành kế hoạch phát triển nền tảng riêng mình và tăng cường phát triển chuỗi cung ứng toàn cầu.
Vingroup cùng doanh nghiệp thành viên đang xây dựng mối quan hệ nhiều đơn vị trên thế giới trong lĩnh vực công nghệ pin - một thành phần vô cùng quan trọng trong chiếc xe điện. Dường như cùng với kế hoạch rục rịch mở rộng sang thị trường Indonesia, hãng xe của Việt Nam đang đánh tiếng muốn trở thành trung tâm xe điện hàng đầu trong khối thương mại ASEAN.
Được biết, các thỏa thuận với các doanh nghiệp đối tác đã được ký với mục đích nhằm xây dựng năng lực trong các lĩnh vực phát triển và sản xuất pin. Gồm:
Prologium: Nhà sản xuất pin của Đài Loan chuyên về dạng thể rắn. Pin thể rắn hiện rẻ hơn và bền hơn pin lithium-ion.
Gotion High Tech: Nhà sản xuất pin LiFePO (lithium iron phosphate) hoặc LFP đến từ Trung Quốc. Pin LFP đang nổi lên là giải pháp thay thế pin lithium-ion thông thường vì nó ít phụ thuộc vào coban- một loại kim loại đang ngày càng đắt đỏ.
Storedot: Công ty khởi nghiệp của Israel hiện đang phát triển công nghệ pin sạc nhanh sạc lại 65 kW từ 0 đến 80% trong khoảng 5 phút. Đặc biệt, thay vì than chì thì pin lưu trữ này dùng hạt nano bán dẫn nên sạc nhanh hơn.
Nhiều báo cáo cho thấy, những hợp tác trên nhằm bàn đạp phát triển chuỗi cung ứng xe điện toàn cầu của VinFast khi doanh nghiệp dự định tiến vào các thị trường nước ngoài. Trong tương lai, công ty hy vọng sẽ tự sản xuất pin thay vì mua pin và phụ thuộc từ nguồn vào các nhà sản xuất khác.
Nếu tận dụng được cơ hội từ những thỏa thuận hợp tác trên, thì ngày VinFast làm chủ được xu hướng mới, có cơ hội trở thành một "ông lớn" trên thị trường xe điện sẽ không xa.
Nhiều trang tin quốc tế ấn tượng với công nghệ pin của VinFast
Việc tuyên bố sở hữu ông nghệ sạc siêu nhanh và pin 100% thể rắn, VinFast đã gây sự chú ý với nhiều kênh truyền thông quốc tế.
Nhiều tờ báo chuyên trang ô tô như: Nikkei Nhật Bản, Carsifu Malaysia, LeAutoblog Pháp… đồng loạt đưa ra các bài viết phân tích công nghệ trong tương lai trên ô tô điện VinFast. Đồng thời cũng nhấn mạnh về các thỏa thuận với hãng pin lớn và đưa ra những dự đoán về cơ hội của hãng xe Việt Nam trên thị trường quốc tế.
VinFast hiện đặt mục tiêu 160.000 – 180.000 chiếc bán ra một năm tại Mỹ. Công ty cũng đã thiết lập hoạt động tại các quốc gia như Đức, Pháp, Hà Lan, Canada. Tại California (Mỹ), đồng thời đã được cấp phép thử nghiệm xe tự lái.