Cổ phiếu VinFast bất ngờ bật tăng trở lại
Mở cửa phiên giao dịch ngày 10/10 trên sàn chứng khoán Nasdaq của Mỹ (tối 10/10 giờ Việt Nam), cổ phiếu VinFast Auto (mã chứng khoán: VFS) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng bất ngờ hồi phục sau 2 phiên giảm mạnh.
Cụ thể, lúc 21h40 (giờ Việt Nam), cổ phiếu VFS của VinFast Auto đang giao dịch quanh mức 7,29 USD/cổ phiếu, tăng 0,83% so với phiên liền trước. Khối lượng giao dịch tăng đột biến khi đạt hơn 1,7 triệu đơn vị.
Với mức giá hiện tại, vốn hóa của VinFast Auto còn 16,86 tỷ USD. Mức vốn hoá này còn thấp hơn nhiều so với mức định giá ban đầu khi sáp nhập với Black Spade là 23 tỷ USD.
Hiện tại, vốn hoá VinFast xuống vị trí thứ 22 trong các hãng xe ô tô trên thế giới. Vốn hóa hãng xe điện của tỷ phú Phạm Nhật Vượng xếp dưới hãng xe Tata Motors của Ấn Độ, hãng SAIC Motor của Trung Quốc và Kia của Hàn Quốc.
Nếu chỉ tính các hãng xe điện, VinFast đứng thứ 4 sau hãng xe Tesla của tỷ phú Elon Musk (tính tới 9/10 có vốn hóa 807,8 tỷ USD), BYD của Trung Quốc (90,5 tỷ USD), Li Auto của Trung Quốc (33,45 tỷ USD).
Doanh số VinFast tăng gấp đôi: Mới đây, VinFast công bố báo cáo tài chính cho thấy doanh số quý III đã tăng gấp đôi, trong đó phần lớn số xe bán được là cho GSM - một công ty kinh doanh vận tải taxi của ông Phạm Nhật Vượng.
Theo Reuters, trong cuộc gặp gỡ nhà đầu tư, ban lãnh đạo VinFast cho biết khoảng 60% doanh số, tương đương 6.000 ô tô điện đã được bán cho GSM. Số liệu này đã không được VinFast công bố trong báo cáo tài chính của mình.
Tính chung, trong hai quý gần đây, khoảng 2/3 doanh số bán xe của VinFast là cho GSM - đơn vị vận hành hãng taxi Xanh SM.
Trong quý III, VinFast đạt 343 triệu USD doanh thu, tăng 159% so với cùng kỳ năm ngoái. Lỗ ròng tăng 33,7% lên 623 triệu USD.
VinFast đặt mục tiêu hoà vốn trong vòng hai năm, khi nhà máy tại Hải Phòng đạt được công suất tối đa. Nhà máy này có công suất thiết kế 250.000 xe điện mỗi năm, nhưng hiện đang hoạt động dưới con số này.
GSM được ông Phạm Nhật Vượng thành lập từ tháng 3 năm nay, sở hữu 95% vốn điều lệ. Công ty này kinh doanh trong các lĩnh vực taxi điện, gọi xe công nghệ (xe hai bánh) và cho thuê xe. Xanh SM là hãng taxi điện đầu tiên của Việt Nam, bắt đầu với đội xe gồm 600 chiếc.
Hiện chưa rõ trong số 13.000 ô tô điện mà GSM mua từ VinFast, bao nhiêu chiếc để chạy taxi và bao nhiêu chiếc dùng để cho thuê.
Giám đốc điều hành toàn cầu VinFast, bà Lê Thị Thu Thuỷ, nói rằng công ty có kế hoạch mở rộng quan hệ đối tác GSM sang Indonesia và Ấn Độ. Đây cũng là hai thị trường VinFast đang xúc tiến xây dựng nhà máy với quy mô nhỏ để lắp ráp ô tô.
“Đối với VinFast, GSM là một đối tác rất tốt”, bà Thuỷ nói với các nhà phân tích.
Ban lãnh đạo công ty cho biết VinFast dự kiến sẽ mở đại lý nhượng quyền đầu tiên tại Mỹ vào cuối năm, đồng thời đang xem xét đề xuất từ 27 đại lý khác để phân phối ô tô điện của mình, bao gồm cả chiếc VF 9 - mẫu xe dự kiến sẽ trình làng cuối năm nay.
Bà Thuỷ cho biết VinFast có kế hoạch xây dựng nhà máy lắp ráp ở cả Ấn Độ và Indonesia để tận dụng ưu đãi xe điện tại các thị trường này.
VinFast bắt đầu thành lập từ năm 2017 và chính thức chuyển sang sản xuất ô tô điện vào năm 2021. Thời điểm công ty tham gia thị trường là lúc giá xe điện đang chịu áp lực trước cuộc chiến giảm giá, khơi mào là Tesla và một loạt các công ty Trung Quốc.
Cuối quý III, VinFast có 130 triệu USD tiền mặt. Công ty dự kiến sẽ nhận được khoảng 1,2 tỷ USD trợ cấp không hoàn lại từ nhà sáng lập tỷ phú Phạm Nhật Vượng và hai cổ đông chính trong 6 tháng tới.
VinFast đã niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq vào tháng 8 sau khi sáp nhập với một công ty SPAC.