Vĩnh biệt Tổng Bí thư Đỗ Mười - Người luôn trăn trở về kinh tế thị trường định hướng XHCN
Theo tin từ Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, đồng chí Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, sau một thời gian lâm bệnh nặng, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sỹ trong và ngoài nước tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao sức yếu, đồng chí đã từ trần hồi 23 giờ 12 phút ngày 1/10/2018, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Đồng chí Đỗ Mười sinh ngày 2/2/1917, tại xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Sớm tham gia hoạt động cách mạng và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản, được tôi luyện, trưởng thành qua các thời kỳ kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng chí Đỗ Mười đã từng trải qua nhiều cương vị công tác, có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Đồng chí Đỗ Mười đã đảm nhiệm nhiều vị trí lãnh đạo trong Đảng và chính quyền, từ Bí thư cấp ủy tại một số tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và Khu ủy kiêm Chủ tịch ủy ban Kháng chiến hành chính và Chính ủy Tư lệnh Liên Khu III; Bí thư Khu ủy kiêm Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến và Chính ủy Tư lệnh Khu Tả Ngạn sông Hồng trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đến đứng đầu nhiều bộ, ngành, nhiều năm lãnh đạo Chính phủ và đảm nhiệm cương vị Tổng Bí thư của Đảng. Trong thời chiến cũng như thời bình, đồng chí luôn là một chiến sĩ cách mạng kiên trung, một người chỉ huy mưu lược, quyết đoán, một nhà lãnh đạo tài năng, đức độ với cuộc sống giản dị, chân tình, hết lòng vì nước vì dân.
Quán triệt đường lối của Đại hội Đảng VI, đồng chí Đỗ Mười đã cùng Bộ chính Trị và Trung ương Đảng tổng kết, đúc rút những bài học kinh nghiệm quý báu từ những ngày đầu đổi mới, đề ra và chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp mang tầm chiến lược trong phát triển đất nước.
Năm 1991, đồng chí Đỗ Mười đảm nhận trọng trách Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VII. Đây là thời kỳ đất nước ta đứng trước những thử thách hiểm nghèo. Một mặt là do hậu quả của khủng hoảng kinh tế – xã hội kéo dài nhiều năm; mặt khác, sự sụp đổ của Liên Xô và hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu đã tác động sâu sắc đến đời sống kinh tế – xã hội nước ta, lòng tin của một bộ phận nhân dân giảm sút, đông đảo cán bộ và nhân dân lo lắng, một số dao động, hoài nghi về tiền đồ của chủ nghĩa xã hội. Chính tại thời khắc lịch sử này, bản lĩnh của người cộng sản được tôi luyện qua nhiều thử thách trong đấu tranh cách mạng ở đồng chí Đỗ Mười đã được phát huy cao độ.
Phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VII, ngày 18/6/1992, Tổng Bí thư Đỗ Mười đã đưa ra một luận điểm rất quan trọng: “Tất cả phải được tiến hành một cách đồng bộ, trong đó nhiệm vụ kinh tế là trung tâm và nhiệm vụ xây dựng Đảng giữ vai trò then chốt”.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng mà đồng chí Đỗ Mười trong vai trò Tổng Bí thư, cả hệ thống chính trị đã chung sức đồng lòng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, từng bước đưa Cương lĩnh và Chiến lược vào cuộc sống, nước ta đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội, tạo thế và lực mới, tiếp tục tiến lên đổi mới và hội nhập.
Nhìn lại, chúng ta càng thấy tính sáng suốt, đúng đắn trong các nghị quyết này, càng nhận thấy sự đóng góp to lớn của đồng chí Đỗ Mười với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta.