Vinhomes đã đạt mục tiêu sau thương vụ ‘vô tiền khoáng hậu’?
Theo thống kê từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE), trong khoảng thời gian từ ngày 23/10 đến 21/11, CTCP Vinhomes (Mã: VHM) mua lại tổng cộng gần 247 triệu cổ phiếu.
Ước tính của người viết theo thị giá trong khoảng thời gian trên, tổng số tiền mà nhà phát triển bất động sản lớn nhất Việt Nam đã chi ra là hơn 11.000 tỷ đồng. Xét trên quy mô, đây là lượng tiền kỷ lục mà một doanh nghiệp Việt Nam đã bỏ ra để mua lại cổ phiếu của chính mình.
Trong thời kỳ áp dụng quy định cũ, doanh nghiệp niêm yết vẫn có thể tự đầu tư vào cổ phiếu của chính công ty, những thương vụ nghìn tỷ từng xuất hiện trên thị trường và tần suất dày hơn khi dịch COVID-19 bùng nổ đầu năm 2020.
Tuy nhiên, khi áp dụng quy định phải hủy cổ phiếu sau khi mua lại theo Luật chứng khoán sửa đổi năm 2019, hiệu lực năm 2021, không nhiều doanh nghiệp thực hiện, ngoại trừ một số đơn vị mua lại cổ phiếu ESOP khi nhân viên nghỉ việc.
Nhìn ra thế giới, việc mua lại cổ phiếu để giảm lượng lưu hành (float) là một chiến lược phổ biến, được nhiều tập đoàn lớn áp dụng như Apple, Microsoft, Unilever, hoặc với những cái tên quốc tế quen thuộc đang hiện diện ở Việt Nam như Samsung, Toyota.
Ghi nhận tại đại hội cổ đông của nhiều tập đoàn lớn trong nước, chiến lược mua lại cổ phiếu để giảm lượng cổ phần trôi nổi từng được nhiều đại diện quỹ đầu tư đưa ra trong phiên thảo luận. Ý kiến đã được nhiều lãnh đạo tập đoàn ghi nhận, xem xét, thậm chí hứa hẹn. Song, cho tới thời điểm hiện tại, Vinhomes là đơn vị tiên phong thực hiện với số tiền hàng chục nghìn tỷ đã chi ra như vừa nêu.
Phân tích sâu hơn về tác động của thương vụ này, theo công bố thông tin ban đầu, Vinhomes mua lại cổ phiếu khi thị giá thấp hơn so với giá trị thực của công ty nên kế hoạch này sẽ giúp “đảm bảo quyền lợi của công ty và cổ đông”. Câu hỏi được đặt ra, liệu Vinhomes có đạt được mục đích của mình?
Nếu xét đơn thuần trên bình diện thị giá, mục tiêu trên đã đạt được. Kể từ thời điểm công bố kế hoạch, giá cổ phiếu VHM tăng từ quanh 35.000 đồng/cp lên 43.300 đồng/cp đóng cửa ngày 21/11, tương đương tỷ lệ tăng gần 24%.
Có thời điểm thị trường diễn biến thuận lợi, thị giá cổ phiếu VHM vươn lên ngưỡng 48.250 đồng/cp, đem lại tỷ suất lợi nhuận không tưởng, gần 38%.
Đồng pha với xu hướng giá, thanh khoản của cổ phiếu VHM có phần cải thiện. Lượng mua của Vinhomes thường chiếm tỷ trọng lớn trong khối lượng giao dịch mỗi ngày, có phiên lên tới 83%. Hoạt động mua diễn ra liên tục với tỷ lệ giao dịch của Vinhomes thường đạt 40 – 70% khối lượng mỗi ngày.
Đó là diễn biến ngắn hạn, còn về dài hạn, cổ đông Vinhomes tiếp tục được hưởng lợi khi VHM được định giá lại. Lượng cổ phần của công ty giảm đi trong khi hoạt động của doanh nghiệp tiếp tục được dự báo khả quan giúp EPS tăng lên.
Với diễn biển khả quan như trên, công bằng để nói rằng, cổ đông của Vinhomes chính là bộ phận hưởng lợi trực tiếp và ngay trước mắt từ thương vụ. Bộ phận này chủ yếu là cá nhân trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.
Đó là tác động nội bộ giữa Vinhomes và cổ đông, nhìn một cách tổng quan hơn, thương vụ của Vinhomes như cơn mưa rào giải cơn khát nắng hạn về thanh khoản của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Trong hơn một tháng qua, VHM liên tục xuất hiện trong top 10 cổ phiếu có thanh khoản lớn nhất thị trường. Trong phiên cuối cùng thực hiện giao dịch, VHM dẫn đầu về thanh khoản trên sàn HOSE với khối lượng khớp lệnh hơn 34,4 triệu đơn vị, tương ứng 8,93% thanh khoản. Còn xét theo giá trị, tỷ lệ trên chiếm tới 14,4%.
Không chỉ đóng góp tích cực vào thanh khoản thị trường, đà đi lên của VHM còn đóng vai trò trợ lực cho VN-Index khi chỉ số này rơi xuống vùng 1.200 điểm gần đây.
Từ những phân tích trên cho thấy thương vụ “vô tiền khoáng hậu” của Vinhomes đã mang lại tác động kép lên cả nội bộ và thị trường. Góc nhìn của một nhà quan sát, nếu mô hình này được nhân rộng hơn, xa hơn có thể là những định chế tài chính, tập đoàn đầu ngành sẽ mang đến nhiều câu chuyện thú vị đáng để bàn luận.