VN-Index mất 100 điểm từ đỉnh, nhà đầu tư nên làm gì?
Chứng khoán Việt Nam giảm sốc lấy đi thành quả tích lũy nhiều tháng
Theo ghi nhận, cú giảm mạnh nhất kể từ cuối tháng 8 lấy đi toàn bộ thành quả tích lũy nhiều phiên trước đó. Đáng chú ý, trong hai phiên giao dịch 3/12 và 6/12, VN-Index mất gần 70 điểm khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên hoang mang.
Các lệnh bán thị trường (MP) ồ ạt được nhà đầu tư sử dụng khiến cổ phiếu giảm sàn la liệt, tâm điểm là nhóm vốn hóa vừa và nhỏ tăng nóng giai đoạn vừa qua. Hành động này tạo ra "hiệu ứng domino" lan rộng ra hầu hết nhóm cổ phiếu.
Nhận định về thời điểm hiện tại của thị trường, khối phân tích của Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng áp lực bán gia tăng nhanh chóng trên toàn thị trường cho thấy dấu hiệu dòng tiền thoái lui khỏi thị trường trong bối cảnh thiếu vắng thông tin hỗ trợ.
Một nguyên nhân khác khiến chứng khoán Việt Nam lao dốc đó là thông tin về sự xuất hiện của biến thể Omicron ở nhiều quốc gia, trong đó có các nước trong khu vực Đông Nam Á như Singapore, Thái Lan.
Tâm lý tiêu cực bao phủ toàn thị trường, điểm cộng duy nhất ở thời điểm này là lực cầu từ các nhà đầu tư tổ chức, bộ phận tự doanh và khối ngoại. Trong phiên hôm qua (6/12), lực cầu bắt đáy vẫn xuất hiện khá chủ động mỗi khi thị trường giảm sâu, giúp VN-Index thu hẹp phần nào mức giảm điểm về cuối phiên.
Cụ thể, tổ chức trong nước mua ròng hơn 270 tỷ đồng phiên 6/12. Bộ phận tự doanh công ty chứng khoán và khối ngoại gom 197 tỷ đồng và hơn 300 tỷ đồng. Chiều ngược lại, các nhà đầu tư cá nhân trong nước bán ròng hơn 770 tỷ đồng. Điều này càng thấy rõ hơn tâm lý hoang mang trong bộ phận đang chiếm tỷ trọng giao dịch lớn nhất toàn thị trường, lên tới hơn 90%.
Theo chia sẻ của không ít nhà đầu tư, cú lao dốc bất ngờ lấy đi toàn bộ lợi nhuận tích lũy trong 2 - 3 tháng trước đó. Việc nắm giữ cổ phiếu đang khiến tài khoản chịu lỗ hai chữ số.
Nhà đầu tư nên làm gì thời điểm này?
Trước diễn biến như hiện nay, nhà đầu tư cá nhân nên có chiến lược giao dịch ra sao? Với câu hỏi này, bộ phận phân tích của nhiều công ty chứng khoán đã đưa ra các chiến lược giao dịch khác nhau, dựa trên khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư.
Theo VCBS, khối lượng giao dịch mới chỉ sụt giảm nhẹ trong phiên hôm nay nên kỳ vọng thị trướng sẽ còn một số phiên rung lắc trước khi tìm được vùng hỗ trợ mới.
"Do đó, nhà đầu tư vẫn chưa nên vội vàng giải ngân mới mà nên tiếp tục chờ đợi thêm một vài phiên tới, và thậm chí nên mạnh dạn "cắt lỗ" các cổ phiếu mới mua ở đầu phiên để sẵn sàng sức mua giải ngân khi thị trường có dấu hiệu đảo chiều", báo cáo của VCBS nêu.
Cùng quan điểm với VCBS, khối phân tích của Yuanta Việt Nam khuyến nghị nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục giảm dần tỷ trọng cổ phiếu về mức thấp khoảng 30 – 35% danh mục và chưa nên bắt đáy ở mức giá hiện tại.
Với góc nhìn lạc quan hơn, bộ phân phân tích của VietinBank Securities khuyến nghị nhà đầu tư có thể giải ngân trở lại với kỳ vọng chỉ số VN-Index sẽ hướng tới vùng điểm 1.535 điểm nếu vùng hỗ trợ 1.390 điểm phát huy vai trò tích cực trong việc bình ổn và chỉ số VN-Index tạo đáy đi lên từ đây.
Ở kịch bản ngược lại, khối phân tích cho rằng nếu áp lực điều chỉnh mạnh vẫn duy trì như hiện tại, nhà đầu tư có thể kỳ vọng vào vùng hỗ trợ mạnh dài hạn 1,310 điểm tương đương với đường EMA 200 ngày.
Trái với tư vấn mạnh dạn "cắt lỗ" của VCBS, Chứng khoán Agribank (Agriseco) khuyến nghị nhà đầu tư không bán bằng mọi giá, có thể tận dụng những nhịp điều chỉnh để tích luỹ những cổ phiếu có nền tảng cơ bản, tập trung vào nhóm VN30.
Quan điểm tương tự được Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) đưa ra. "Nhà đầu tư nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức vừa phải đã tham gia bắt đáy trong phiên 6/12 có thể tiếp tục gia tăng tỷ trọng nếu thị trường kiểm định lại những vùng hỗ trợ kể trên trong phiên tới, mục tiêu giải ngân nên là các cổ phiếu có cơ bản tốt và định giá hấp dẫn."