Vỏ máy bay cũ của Vietnam Airlines được cắt nhỏ, gia công thành 7.500 tấm móc hành lý lưu niệm

09:41 | 20/10/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Một doanh nghiệp đã mua nguyên vỏ máy bay cũ mà Vietnam Airlines rao bán vào cuối năm 2019 để cắt nhỏ, gia công thành móc hành lý lưu niệm. Đáng nói, doanh nghiệp này giữ nguyên màu sơ nguyên bản của hãng.
Giữa tháng 5/2019, hãng hàng không Vietnam Airlines có kế hoạch bán 5 tàu bay A321CEO cũ, sản xuất từ các năm 2004-2005. Mục đích bán các tàu bay cũ là để đổi mới đội tàu bay công nghệ mới hơn để tiết kiệm chi phí và đảm bảo ổn định trong khai thác. 

Đến tháng 10/2019, Vietnam Airlines phát đi thông báo rao bán 5 chiếc A321ceo cũ. Đến tháng 10/2020, chiếc A321ceo với số đăng ký VN-A347 (nằm trong số 5 chiếc máy bay được rao bán) đã có một đơn vụ sở hữu mới rã lấy linh kiện, phụ tùng.

Riêng phần vỏ của chiếc máy bay này được một doanh nghiệp thu mua, cắt nhỏ, gia công thành 7.500 tấm móc hành lý lưu niệm với màu sơn nhận diện nguyên bản của hãng.

Sau khi thành phẩm, doanh nghiệp này đã đưa sản phẩm ra bán trực tuyến trên mạng với mức giá từ 24,95 - 39,95 USD (580.000 - 930.000 đồng) mỗi tấm tùy theo màu sắc sơn tại vị trí cắt.

Theo nguồn thông tin từ hãng hàng không Vietnam Airlines, chiếc A321ceo có số đăng ký VN-A347 được bàn giao và được hãng hàng không này bắt đầu khai thác từ tháng 8/2004. Chiếc máy bay này nằm trong đội 50 chiếc A321ceo hãng khai thác trong giai đoạn này.
 
Vỏ máy bay cũ của Vietnam Airlines được cắt thành móc
Đây là 1 trong những móc lưu niệm được cắt ra từ vỏ máy bay cũ của Vietnam Airlines

A321ceo là chiếc máy bay thân hẹp được hãng khai thác với cấu hình 168 ghế phổ thông và 16 ghế thương gia. Chiếc máy bay này được cho Jetstar Pacific Airlines (nay là Pacific Airlines) thuê lại vào đầu năm 2015. Đến cuối năm 2019 thì Vietnam Airlines chính thức rao bán.

Gần đây nhất, Vietnam Airlines tiếp tục thông báo sẽ bán 9 máy bay cũ. Hãng này cho biết, dù thị trường nội địa bắt đầu hồi phục, song sức cạnh tranh gay gắt giữa các hãng bay đã kéo theo doanh thu của hãng xuống thấp, chỉ đạt khoảng 50% cùng kỳ năm 2019, không đủ bù đắp chi phí. 

Hãng này cho biết thêm, Hiệp hội vận chuyển hàng không quốc tế cho rằng, dự kiến ngành hàng không sẽ mất 2 - 3 năm để phục hồi về mức của năm 2019. Sự phục hồi của các đường bay quốc tế vẫn còn chậm.

Vì thế, đội bay của Vietnam Airlines và Vietnam Airlines Group (bao gồm cả Pacific Airlines) sẽ dư thừa. Theo dự báo, hiệu tại, số lượng máy bay sẽ dư thừa khoảng 25 máy bay trong 6 tháng cuối năm 2020 và 6 máy bay vào năm 2021.

9 máy bay A321CEO sản xuất 2007-2008 mà Vietnam Airlines có ý định bán có tuổi thọ 12-13 năm, là các tàu bay đã trả hết nợ vay và thuộc sở hữu của tổng công ty, đủ điều kiện pháp lý để bán trong năm nay. Trong đó, 6 máy bay dự kiến bán theo kế hoạch đã lên từ trước. Ngoài ra, 3 máy bay A321 CEO sản xuất năm 2008 được đẩy lên bán sớm hơn từ năm 2020-2021 thay vì kế hoạch ban đầu là từ 2023-2024.


Hương Quỳnh (t/h)

ĐỌC NHIỀU