Trung Quốc giữa làn sóng Omicron: lạm phát tăng mạnh hơn dự báo, dấu hiệu kinh tế giảm tốc

Nguyễn Thị Thùy Dung 22:04 | 11/04/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Cả lạm phát tại cổng nhà máy và lạm phát tiêu dùng của Trung Quốc điều tăng trong tháng 3 khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chịu sức ép tăng giá do gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài và chiến sự Nga - Ukraine.

Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), chỉ số giá sản xuất (PPI) tại Trung Quốc đã tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm nhẹ so với mức tăng 8,8% hồi tháng 2 nhưng vượt qua mức dự báo 7,9% mà các nhà phân tích đưa ra trong cuộc thăm dò ý kiến gần đây của Reuters.

So với tháng trước, PPI tăng 1,1%, mức tăng hàng tháng lớn nhất trong 5 tháng trở lại đây.

Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc tăng 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái, tốc độ nhanh nhất trong 3 tháng và vượt qua mức ước tính 1,2% trong cuộc thăm dò của Reuters. Trong khi đó, CPI lõi không tính giá lương thực, năng lượng dễ biến động đã giảm 0,28% do giá lương thực giảm 1,5%. 

Lạm phát tiêu dùng dù có tăng nhưng mức tăng vẫn không quá nóng, phản ánh tâm lý tiêu dùng suy yếu trong bối cảnh Chính phủ Trung Quốc theo đuổi lập trường “Zero COVID”.

Trong khi áp lực lạm phát có xu hướng tăng lên, nền kinh tế Trung Quốc cũng phải chịu sức ép tăng trưởng giảm tốc trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ, các biện pháp phong tỏa kiểm dịch tại tâm chấn Thượng Hải và nhiều địa phương trên cả nước gây áp lực cho hoạt động sản xuất và xuất khẩu.

Các nhà chức trách Trung Quốc gần đây đã công bố một số chính sách hỗ trợ nền kinh tế, bao gồm các gói chi tiêu tài khóa lớn và chính sách giảm thuế thu nhập với doanh nghiệp nhỏ. Bắc Kinh cũng đang xem xét thêm một số biện pháp hỗ trợ kích cầu tiêu dùng và đầu tư. 

Hôm 10/4, Trung Quốc ghi nhận hơn 26.400 ca nhiễm COVID-19 mới không triệu chứng trên cả nước, trong đó hơn 25.000 ca nhiễm được phát hiện tại Thượng Hải. Thành phố 26 triệu dân này vẫn bị phong tỏa nghiêm ngặt trong những ngày qua.

Nhà kinh tế trưởng Iris Pang từ tập đoàn dịch vụ tài chính và ngân hàng đa quốc gia Hà Lan ING dự báo thành phố Thượng Hải có thể ghi nhận GDP giảm 6% trong tháng này, tương đương với mức giảm 2% GDP của toàn Trung Quốc nếu tình trạng khóa cửa vẫn tiếp diễn.

Hầu hết các nhà phân tích kỳ vọng ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) sẽ giảm chi phí vay với doanh nghiệp và người dân, đồng thời cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc với hệ thống ngân hàng hoặc giảm thêm lãi suất để bơm thanh khoản hỗ trợ nền kinh tế trong thời gian tới.