VPBank: Dự phóng tăng trưởng tín dụng năm 2023 đạt 19%, rủi ro từ dư nợ bất động sản và trái phiếu
KBSV dự báo VPB đối mặt với rủi ro từ dư nợ bất động sản và trái phiếu,
chi phí trích lập dự phòng tăng gây sức ép lên biên lãi
Theo báo cáo phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) mới đây (ngày 2/3), các chuyên gia dự phóng tăng trưởng tín dụng 2023 đạt 19% trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, ngân hàng đề cao quản trị rủi ro.
Trước đó, tăng trưởng tín dụng quý IV/2022 của VPB đạt 25%. Tăng trưởng tín dụng ngân hàng mẹ đạt 28,3% và tăng trưởng tín dụng bên Công ty Tài chính (FECredit) đạt 11,8%. Mức tăng trưởng ấn tượng nhờ việc đẩy mạnh giải ngân trong quý IV sau khi được ngân hàng nhà nước nới room tín dụng lên 26,2%.
Trong năm nay, các chuyên gia từ KBSV cho rằng VPB phải đối mặt với rủi ro từ dư nợ bất động sản và trái phiếu. Theo đó, tỷ lệ dư nợ nhóm doanh nghiệp bất động sản và xây dựng cùng nhóm cho vay mua nhà trên tổng dư nợ tín dụng đạt 36,5%, tăng 4,3 điểm % so với cùng kỳ năm trước. Dư nợ tín dụng quý IV/2022 tăng 25% so với cùng kỳ năm trước và tăng 11,4% so với cùng kỳ quý IV/2021.
Tính đến hết quý IV/2022, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của VPB đạt 40.518 tỷ đồng, chiếm 8,5% dư nợ tín dụng, là ngân hàng có tỷ trọng dư nợ trái phiếu/dư nợ tín dụng đứng thứ 3 hệ thống, sau Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Mã: TCB) và Ngân hàng TMCP Tiên Phong (Mã: TPB).
Đơn cử, theo báo cáo tài chính của CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Mã: NVL), có 8.100 tỷ đồng trái phiếu mà VPB là chủ đầu tư đáo hạn trong năm 2023. Tuy nhiên, theo thông tin từ VPB, ngân hàng đã bán thứ cấp một phần lô trái phiếu này và số dư hiện tại thấp hơn con số 8.100 tỷ đồng. Với những diễn biến tiêu cực của thị trường trái phiếu và bất động sản trong thời gian gần đây, việc duy trì tỷ trọng cho vay cao ở nhóm này tiểm ẩn những rủi ro đáng kể liên quan đến chất lượng tài sản của VPB trong thời gian tới.
Nhóm phân tích dự phóng thận trọng tỷ lệ nợ xấu năm 2023 của VPB có thể đạt 6,4%, tăng 67 điểm % so với 2022 phản ánh rủi ro các khoản nợ cho vay bất động sản và trái phiếu. Chi phí trích lập dự phòng dự kiến tăng 18%, đạt 26.515 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế năm 2023 được dự phóng đạt 17.217 tỷ đồng, tăng 1,7% so với năm ngoái do biên lãi ròng giảm, chi phí trích lập dự phòng tăng, không ghi nhận doanh thu đột biến từ phí trả trước.
Dựa trên những yếu tố này, ước tính biên lãi ròng 2023 sẽ giảm 9 điểm % so với cùng kỳ năm trước, đạt 7,41% phản ánh lãi suất đầu vào bình quân tăng trong nửa cuối năm 2022. Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2023, chỉ số này sẽ hạ nhiệt và được bù đắp một phần nhờ tăng lãi suất cho vay.
Trước đó, tại Báo cáo triển vọng năm 2023 KBSV hồi cuối năm ngoái, nhóm phân tích đã có những dự báo về tăng trưởng tín dụng của một số ngân hàng trong năm 2023.
Cụ thể, KBSV dự báo Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank – Mã: VCB) có thể sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong năm 2023 dưới áp lực từ việc tăng trưởng tín dụng toàn ngành phải chậm lại cùng áp lực chi phí vốn sẽ rõ ràng hơn trong giai đoạn quý IV/2022 – quý II/2023. Tuy nhiên, đây sẽ là một trong những nhà băng được ưu tiên cấp room tín dụng ở mức cao cho năm 2023, nhờ chất lượng tài sản tốt, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp ở mức thấp, tham gia tiếp nhận chuyển giao một tổ chức tín dụng yếu kém và cung cấp các gói hỗ trợ theo yêu cầu của Chính Phủ.
Với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV – Mã: BID), KBSV kỳ vọng BIDV có thể đẩy giải ngân tín dụng lên mức tăng trưởng cao hơn nhờ việc ngân hàng được NHNN nới room tín dụng thêm 2% nâng room cả năm lên 12,7%.
Ngân hàng TMCP Quân đội (MB – Mã: MBB) cũng được dự báo ghi nhận tăng trưởng tín dụng vượt trội cho giai đoạn 2023 và 2024 lần lượt là 23,1% và 28,4% nhờ tham gia xử lý tổ chức tín dụng yếu kém cùng tỷ lệ an toàn vốn (CAR) khoảng 12% và tỷ lệ dư nợ tín dụng/vốn huy động (LDR) vẫn còn dư địa để tăng tín dụng trong bối cảnh huy động chậm lại.
Dự báo lãi suất huy động năm 2023 vẫn duy trì ở mức cao 9-10%
Dự báo chung cho toàn hệ thống ngân hàng, nhóm nghiên cứu KBSV cho rằng trong năm 2023, các yếu tố được kỳ vọng sẽ góp phần cải thiện cung tiền, giúp hỗ trợ thanh khoản tiền đồng trong hệ thống là việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện lại nghiệp vụ mua USD, trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ tốt đến từ thặng dư thương mại, kiều hối và FDI, vay nợ ròng nước ngoài, qua đó giúp tăng dự trữ ngoại hối và bơm 1 lượng tiền đồng vào hệ thống các ngân hàng.
Tiếp theo là kỳ vọng giải ngân đầu tư công đạt trên 80% kế hoạch năm và cuối cùng, tăng trưởng tín dụng ở mức cao khi nhu cầu vay vốn là luôn hiện hữu dù mặt bằng lãi suất đã ở mức tương đối cao ngay cả so với thời điểm trước dịch, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn sau vụ việc Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát và Nghị định 65 mới được ban hành cuối tháng 9 khiến áp lực kênh dẫn vốn của hệ thống ngân hàng càng tăng thêm.
KBSV kỳ vọng mặt bằng lãi suất huy động sẽ hạ nhiệt so với cuối quý IV/2022, dù vẫn duy trì ở mức cao 9-10% khi nhu cầu tín dụng tốt khi nền kinh tế phục hồi sau 2 năm diễn ra dịch Covid-19 và kỳ vọng tăng trưởng huy động đạt trên 12% so với cùng kỳ năm trước giúp căng thẳng thanh khoản thị trường 1 dịu bớt, nhờ tăng trưởng cung tiền hồi phục, sẽ tạo điều kiện cho các Ngân hàng Thương mại (NHTM) hạ lãi suất huy động.