VPBank muốn nới room ngoại lên 17,5%, mở đường đón cổ đông chiến lược nước ngoài

Trịnh Huyền Trang 11:35 | 20/12/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Phía ngân hàng cho biết việc nới room ngoại lên 17,5% là tỷ lệ đủ để VPBank có thể phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông chiến lược nước ngoài tối đa 15% vốn điều lệ sau khi phát hành.

HĐQT Ngân hàng TMCP Thịnh Vượng (VPBank - Mã: VPB) ) vừa có Nghị quyết về việc chốt danh sách cổ đông để lấy ý kiến bằng văn bản.

Cụ thể, VPBank sẽ chốt danh sách cổ đông để lấy ý kiến bằng văn bản về việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại ngân hàng từ 15% lền 17,5% vốn điều lệ. Ngày đăng ký cuối cùng là 7/1/2022.

Phía ngân hàng cho biết việc nới room ngoại lên 17,5% là tỷ lệ đủ để VPBank có thể phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông chiến lược nước ngoài tối đa 15% vốn điều lệ sau khi phát hành. Trước đó, VPBank chốt room ngoại ở mức 15% vào tháng 5/2021, với tỷ lệ nắm giữ của khối ngoại là trên 20% vốn điều lệ ngân hàng.

Trước đó, ĐHĐCĐ thường niên đã thông qua kế hoạch bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài bằng phát hành cổ phiếu riêng lẻ, ban lãnh đạo ngân hàng còn cho biết sẽ "để dành" cả phần cổ phiếu quỹ để chào bán cho đối tác.

Cụ thể, Chủ tịch Ngô Chí Dũng từng chia sẻ VPBank sẽ mở room ngoại tối đa, ưu tiên các nhà đầu tư chiến lược và có thể phát hành cổ phiếu vào cuối năm nay để huy động vốn cho ngân hàng.

Tại buổi trao đổi trực tuyến với nhà đầu tư quý III, lãnh đạo VPBank dự kiến có thể hoàn tất kế hoạch này trong quý I/2022. Nếu phát hành thành công, vốn chủ sở hữu của nhà băng này có thể đạt kỷ lục trên dưới 120.000 tỷ đồng.

Trong tuần trước, cổ phiếu VPB tiếp tục giữ vị trí quán quân về thanh khoản với hơn 123,7 triệu cổ phiếu được giao dịch và cũng là mã duy nhất có khối lượng giao dịch đạt trên 100 triệu đơn vị.

Đáng chú ý, khối ngoại đã bán ròng mạnh hơn 1.226 tỷ đồng VPB, cao gấp nhiều lần so với tuần trước đó và chiếm tới gần 30% khối lượng bán ròng trên toàn sàn HOSE. Do đó, việc nới room ngoại lên 17,5% được kỳ vọng sẽ làm giảm áp lực bán ra của khối  ngoại.

Diễn biến cổ phiếu VPB. (Nguồn: TradingView).

Theo báo cáo cập nhật về VPBank mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng các yếu tố mới có thể giúp ngân hàng mẹ phục hồi biên NIM trong các quý tới, bao gồm lợi nhuận từ việc thoái vốn 50% tại FE Credit, ước tính 26.000 tỷ đồng sau thuế, sẽ được ghi nhận vào quý IV/2021.

Trong tháng 10/2021, VPBank đã thành công thương vụ chuyển nhượng 49% vốn điều lệ FECredit cho đối tác SMBC với giá 1,4 tỷ USD.

Bên cạnh đó còn có khoản cho vay hợp vốn ưu đãi tổng trị giá 300 triệu USD mà VPBank nhận được trong tháng 10/2021 trong khi 300 triệu USD trái phiếu quốc tế của chương trình Euro Medium Term Note (EMTN) phát hành năm 2019 với lãi suất 6,25%/năm sẽ đáo hạn vào năm 2022.

Ngoài ra, vốn nhận được từ đợt phát hành riêng lẻ 15% cho đối tác chiến lược và hoa hồng cao hơn từ việc đàm phán lại hợp đồng phân phối bảo hiểm của VPBank với AIA sẽ là các yếu tố có khả năng hỗ trợ tích cực cho việc định giá cổ phiếu trong thời gian tới.