Vụ trả 30 tỷ đồng/m2 đất đấu giá Sóc Sơn rồi xin rút có thể xử lý hình sự?

Nhật Di 13:24 | 01/12/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
UBND huyện Sóc Sơn, Hà Nội đã có báo cáo về diễn biến phiên đấu giá diễn ra ngày 29/11 khi có một nhóm người trả đến 30 tỷ đồng/m2 rồi xin rút vì 'sợ quá'. Luật sư nhận định nhóm người tham gia trả giá cao rồi xin rút có thể xử lý hình sự.

 

Trả giá cao rồi xin rút có thể xem là hành vi "gây rối trật tự công cộng"

Theo báo cáo, ngày 29/11, Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn tổ chức đấu giá 58 thửa đất tại thôn Đông Lai, xã Quang Tiến. Các lô đất có diện tích từ 90-224 m2, giá khởi điểm hơn 2,4 triệu đồng/m2.

Tiền đặt trước bằng 20% giá trị thửa đất đấu giá theo giá khởi điểm, tương đương tiền đặt cọc dao động từ khoảng 223 triệu đồng đến gần 550 triệu đồng/thửa.

Hình thức đấu giá là bỏ phiếu trực tiếp 6 vòng bắt buộc theo phương thức trả giá lên, mỗi bước giá là 3 triệu đồng/m2. Người trả giá cao nhất tại vòng 6 là người trúng đấu giá.

Đáng chú ý, khi phiên đấu giá 58 thửa đất đang diễn ra tới vòng thứ 5, một nhóm khách hàng đã trả giá nhiều lô đất lên mức giá “không tưởng”.

3 lô đất đều được trả lên tới trên 30 tỷ đồng/m2. Cụ thể, các thửa đất có số hiệu A12, A13 và C6 đều được trả: 30.002.488.000 đồng/m2. Hơn 20 lô đất khác cũng bị đẩy lên mức từ hơn 98 triệu đồng/m2 đến trên 101 triệu đồng/m2.

Tuy nhiên, đến vòng vòng 6, 36 thửa đất trên đều không được các khách hàng trên trả giá nữa, xin rút vì "sợ quá".

Vì không tiếp tục tham gia trả giá nên các lô đó không thể đấu giá thành công. Kết thúc buổi đấu, chỉ có 22 trên tổng số 58 thửa đất được bán thành công.

 Trao đổi với báo chí, vị lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn cho biết, những lô chưa đấu giá thành công trên sẽ được chính quyền tổ chức đấu giá lại trong thời gian tới. Vị này cũng cho biết, sẽ làm báo cáo về vụ việc đến cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời giao Công an huyện Sóc Sơn điều tra, làm rõ động cơ của nhóm người trên. 

 

 Bên trong hội trường buổi đấu giá hôm 29/11 ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội. (Ảnh: Hoàng Phong). 

 

Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho rằng, bản chất hoạt động đấu giá đất là giao đất có thu tiền sử dụng đất thông qua hình thức đấu giá về quyền sử dụng đất, đây là thủ tục hành chính trong việc giao đất, đồng thời là quan hệ dân sự.

Tuy nhiên nếu có hành vi cản trở hoạt động này, khiến cho hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất không thể thực hiện được thì đây là hành vi gây rối trật tự công cộng, là hành vi trái pháp luật nên người thực hiện.

Trong thời gian qua, hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất diễn ra nhiều bất thường, hiện tượng trả giá cao rồi bỏ cộc diễn ra ở nhiều địa phương gây bức xúc trong dư luận xã hội, khiến nhiều cuộc đấu giá không thực hiện được. Điển hình nhất có thể kể đến như cuộc đấu giá ở Thủ Thiêm trước đây và một số địa phương thời gian gần đây. Qua xác minh thì cơ quan chức năng xác định có dấu hiệu trục lợi, phá rối nên nhiều đối tượng đã bị xem xét xử lý theo quy định của pháp luật....

Luật sư Đặng Văn Cường cho biết thêm rằng, do lợi lớn từ việc trúng giá đất trong các cuộc đấu giá nên thời gian qua ở nhiều địa phương, xuất hiện một số đối tượng tham gia đấu giá quyền sử dụng đất hành xử theo kiểu côn đồ, “xã hội đen” thao túng hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất như tranh giành mua hồ sơ, ép bán lại hồ sơ, bán lại lô đất đã trúng, cản trở hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất, không cho những người dân ở nơi khác đến tham gia đấu giá gây mất an ninh trật tự an toàn xã hội. Nhiều đối tượng đã bị xử lý hình sự về nhiều tội danh khác nhau trong đó có tội gây rối trật tự công cộng.

Tuy nhiên, hoạt động gây rối trật tự công cộng không chỉ là dùng sức mạnh vật chất, vũ lực, vũ khí hay dùng lời nói, đe dọa, chửi bới xúc phạm để cản trở hoạt động của cơ quan đơn vị tổ chức đấu giá. Hành vi cản trở hoạt động đấu giá còn thể hiện ở chỗ là trả giá cao rồi bỏ cọc có chủ ý, có mục đích khiến cho hoạt động đấu giá không thành công.

  Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp. Ảnh NVCC.

 Có thể xử lý hình sự?

Trở lại vụ việc đấu giá đất tại Sóc Sơn hôm 29/11, Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, trong hoạt động đấu giá tài sản, pháp luật nghiêm cấm người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, cá nhân, tổ chức khác thực hiện các hành vi được quy định tại khoản 5 Điều 9 Luật Đấu giá tài sản 2016, trong đó có hành vi cản trở hoạt động đấu giá tài sản.

Nếu người nào không có nhu cầu, không có khả năng thanh toán tiền để nhận đất sử dụng, không muốn mua nhưng vẫn tham gia đấu giá, trả giá cao rồi bỏ cọc khiến cho cuộc đấu giá không thành công, phải tổ chức đấu giá lại thì đây là hành vi vi phạm điều cấm của pháp luật và là hành vi gây rối trật tự công cộng.

Người thực hiện hành vi cản trở đấu giá quyền sử dụng đất có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Mức xử phạt vi phạm hành chính đối với người cản trở hoạt động đấu giá tài sản được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 23 Nghị định 82/2020/NĐ-CP như sau:

Hành vi vi phạm quy định của người tham gia đấu giá, người có tài sản đấu giá và người khác có liên quan đến hoạt động đấu giá tài sản

1. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật, sử dụng giấy tờ giả mạo để đăng ký tham gia đấu giá, tham gia cuộc đấu giá.

b) Cản trở hoạt động đấu giá; gây rối, mất trật tự tại cuộc đấu giá.

Trong trường hợp hành vi cản trở hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất bằng hình thức trả giá cao đến mức bất thường như vậy rồi bỏ cọc khiến cho hoạt động đấu giá không thể tổ chức được hoặc tổ chức không thành công gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội thì người thực hiện hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội gây rối trật tự công cộng theo quy định tại Điều 318 bộ luật hình sự, khung hình phạt cao nhất của tội danh này có thể từ 2 năm đến 7 năm tù.

Tội gây rối trật tự công cộng được quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt như sau: Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi gây rối trật tự công cộng hoặc đã bị kết án về tội gây rối trật tự công cộng, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: Có tổ chức; Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách; Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng; Xúi giục người khác gây rối; Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng; Tái phạm nguy hiểm.

Trong vụ việc đấu giá quyền sử dụng đất nêu trên việc trả giá đến hơn 30 tỷ đồng đối với đất ở ở huyện Sóc Sơn là bất thường và thể hiện ý thức coi thường hoạt động đấu giá. Bởi vậy, cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xác minh làm rõ danh tính của những người đã trả giá cao rồi bỏ cọc đồng thời đánh giá hậu quả đã gây ra để xem xét mức độ xử lý theo quy định của pháp luật.