Vượt hàng rào kỹ thuật EVFTA: Cần lấy sức ép cạnh tranh làm động lực
Tham gia Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu sẽ được hưởng thuế suất 0% ngay từ khi Hiệp định có hiệu lực như cà phê, hạt tiêu, mật ong… Đối với ngành gạo, EU dành tổng lượng hạn ngạch 80.000 tấn/năm đối với gạo xay xát, gạo chưa xay xát và gạo thơm được hưởng thuế suất 0%. Các sản phẩm chăn nuôi, rau củ, đồ gỗ cũng được hưởng các thuế suất ưu đãi. Đối với 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại (bao gồm một số sản phẩm gạo, ngô ngọt, tỏi, nấm, đường và các sản phẩm hàm lượng cao…, EU cam kết mở rộng cửa cho Việt Nam theo hạn ngạch thuế quan (TRQs) với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng phải cam kết mở cửa thị trường hàng hóa của mình: Xóa bỏ thuế quan ngay sau khi EVFTA có hiệu lực cho hàng hóa của EU thuộc 65% số dòng thuế trong biểu thuế. Đối với mặt hàng cụ thể, thời gian xóa bỏ thuế sẽ theo lộ trình 3 năm, 7 năm, 9 năm hoặc 10 năm chiếm 99% số dòng thuế trong biểu thuế. Số dòng thuế còn lại sẽ áp dụng hạn ngạch thuế quan với mức thuế trong hạn ngạch là 0%.
Quan điểm khá cứng rắn của EU về vệ sinh an toàn thực phẩm
Các hàng rào kỹ thuật là một điểm hết sức lưu ý mà cộng đồng doanh nghiệp Việt không thể bỏ qua.
Đó là hai bên thỏa thuận tăng cường thực hiện các quy tắc của WTO. Đối với các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), Việt Nam và EU đã đạt được thỏa thuận về một số nguyên tắc nhằm tạo điều kiện cho hoạt động thương mại đối với các sản phẩm động vật, thực vật. Tuy nhiên, EU có quan điểm khá cứng rắn về các vấn đề SPS và không có ý định hạ thấp các tiêu chuẩn này trong các FTA nên sẽ khó có ngoại lệ nào riêng cho Việt Nam.
Theo quy định SPS của EU, tất cả các sản phẩm có nguồn gốc động vật xuất khẩu sang thị trường này đều bị kiểm tra tại các chốt kiểm soát ở biên giới theo hình thức kiểm tra ngẫu nhiên khoảng 10% số lượng lô hàng. Tuy nhiên, nếu một lô hàng bị phát hiện có vấn đề về SPS thì 10 lô hàng tiếp theo sẽ bị kiểm tra toàn bộ một cách kỹ lưỡng.
Đáng lưu ý, một số nước sẽ chỉ được xuất khẩu một sản phẩm từ động vật nếu nước đó thuộc danh sách các nước được xuất khẩu sản phẩm đó sang EU và cũng chỉ có các đơm vị sản xuất nằm trong danh sách đảm bảo của cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu gửi sang EU và được EU chấp nhận mới được xuất khẩu sản phẩm đó. Hiện tại, chỉ có hai loại sản phẩm có nguồn gốc động vật ở Việt Nam được xuất khẩu sang EU là thủy sản và động vật thân mềm hai vỏ.
Đối với các sản phẩm có nguồn gốc thực vật, nước xuất khẩu phải tuân thủ các quy định về SPS của EU trong quá trình nuôi trồng sản xuất. Và hàng xuất khẩu sang EU tuy không bị kiểm tra nghiêm ngặt như các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật nhưng cũng sẽ bị kiểm tra ngẫu nhiên bởi các nước thành viên trong quá trình nhập cảnh hoặc sau khi đã bán ra thị trường.
EU cũng duy trì một hệ thống cảnh báo nhanh, chỉ cần một lô hàng có vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm thì ngay lập tức sẽ được thông báo trong toàn bộ EU và hàng hóa đó không thể tiếp tục lưu hành trong khu vực.
Doanh nghiệp cần hay đổi tư duy kinh doanh
Theo chuyên gia Lê Vũ Thanh Tâm, bên cạnh giải pháp được đặt ra đối với các cơ quan quản lý Nhà nước như phát triển công nghiệp phụ trợ để đảm bảo yêu cầu về xuất xứ, hoàn thiện thể chế, phát triển năng lực công nghệ và quản lý, các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp cần tập trung vào nhiều giải pháp.
Hiệp hội cần thúc đẩy hơn nữa việc hỗ trợ cho doanh nghiệp xúc tiến thương mại, đặc biệt là thông qua ứng dụng công nghệ số. Cùng với đó là hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu và triển khai các nội dung của Hiệp định sao cho phù hợp với doanh nghiệp thành viên.
Về phía doanh nghiệp nông sản, chuyên gia Lê Vũ Thanh Tâm nhấn mạnh: Các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thông tin về EVFTA để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác quan tâm, nhất là các thông tin về ưu đãi thuế quan.
Doanh nghiệp cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh làm động lực để đối mới và phát triển. EVFTA chắc chắn sẽ mang lại cơ hội cho doanh nghiệp nào chủ động đáp ứng với những thay đổi về môi trường kinh doanh trong quá trình hội nhập quốc tế mang lại thông qua việc xây dựng và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh trong giai đoạn trung và dài hạn nhằm thúc đẩy dòng chảy của hàng hóa vào các thị trường đối tác tiềm năng của EU.
Cuối cùng, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hướng hợp tác với các thị trường đối tác của Hiệp định để thu hút đầu tư trực tiếp vào Việt Nam nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn và việc chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn. Đây cũng chính là cơ hội tốt để các doanh nghiệp của ta tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng và khu vực toàn cầu.