Warren Buffett mở ra tầm nhìn cho nhiều nhà đầu tư: Cổ phiếu tốt không chỉ nằm ở nước Mỹ
Theo Bloomberg, các nhà đầu tư thường thích bỏ tiền vào doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là tại Mỹ. Những nhà đầu tư huyền thoại như ông Warren Buffett hay John Bogle từ lâu đã kêu gọi người Mỹ giữ tiền ở quê nhà. Mỹ cũng được coi là thiên đường an toàn của thế giới, một phần vì các doanh nghiệp lớn tại nước này nối tiếng về sự ổn định và minh bạch.
Trong ít nhất hai thập kỷ qua, các chỉ số thị trường như tỷ suất lợi nhuận, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu và lợi nhuận trên vốn của S&P 500 đều cao hơn so với của MSCI World ex USA Index hay MSCI Emerging Markets Index.
Tuy nhiên, kết quả này không đồng nghĩa rằng chỉ duy nhất Mỹ là nơi có các doanh nghiệp đạt lợi nhuận cao. Trong khoảng 10.000 công ty thuộc Bloomberg World Large, Mid & Small Cap Index, Mỹ là quốc gia có nhiều đại diện nhất thuộc top 100 xét theo tỷ suất lợi nhuận, nhưng cũng chỉ chiếm 15%.
Tương tự, với tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu, Mỹ có 36 đại diện trong top 100. Còn nếu dựa trên tỷ suất lợi nhuận trên vốn, Mỹ chỉ có 14 đại diện. Nếu kết hợp cả ba thước đo trên, Mỹ sẽ chiếm 18 vị trí trong danh sách 100 doanh nghiệp tốt nhất.
Đồng thời, các cổ phiếu chất lượng cao bên ngoài Mỹ thường có xu hướng rẻ hơn nhiều so với S&P 500 theo hầu hết các thước đo về giá, bao gồm: tài sản, doanh thu, lợi nhuận và dòng tiền, trong khi đem lại khả năng sinh lời tương đương hoặc cao hơn.
Ví dụ, S&P 500 được giao dịch ở mức giá gấp 19 lần thu nhập (P/E) vào năm ngoái. Trong khi đó, MSCI World ex USA có mức P/E là 15 lần, còn MSCI Emerging Markets Index có mức P/E chỉ là 13 lần.
Món hời ở Nhật Bản
Tỷ phú Warren Buffett ban đầu là một nhà đầu tư giá trị sâu, nhưng dần chuyển hướng sang chất lượng. “Mua một công ty tuyệt vời với mức giá hợp lý sẽ tốt hơn nhiều so với việc mua một công ty vừa phải với mức giá tuyệt vời”, ông nói.
Tuy vậy, với việc thị trường chứng khoán Mỹ được định giá quá cao trong nhiều năm, ông Buffett đã gặp khó trong việc tìm ra những doanh nghiệp đủ hấp dẫn để rót tiền.
Kết quả là, vị tỷ phú này đã chuyển sang săn lùng các doanh nghiệp tuyệt vời ở nước ngoài. Ông đã tới đất nước mặt trời mọc vào tuần trước để quảng bá các khoản đầu tư vào 5 công ty thương mại Nhật Bản, khuyến khích hợp tác với Berkshire Hathaway trong các dự án kinh doanh khác.
Ngoài Nhật Bản, trong hai thập kỷ qua, ông Buffett đã đổ tiền vào gã khổng lồ năng lượng Trung Quốc PetroChina, nhà sản xuất thép Hàn Quốc Posco, gã khổng lồ ngành bán lẻ Tesco của Anh, gã khổng lồ dược phẩm Sanofi-Aventis của Pháp và những công ty bảo hiểm châu Âu như Munich Re hay Swiss Re. Và vào tuần trước, vị tỷ phú này nói với tời Nikkei rằng ông đang nghĩ về việc đầu tư thêm vào các doanh nghiệp Nhật Bản.
5 công ty thương mại Nhật Bản mà Buffett đã mua có tỷ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu trung bình là 20% vào năm ngoái và được giao dịch ở mức giá bằng 6 lần thu nhập. Trong khi đó, S&P đem lại lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu là hơn 19% nhưng có P/E lên tới 18,6 lần.