WB: Tốc độ tạo việc làm tại Việt Nam sẽ tăng dần

09:49 | 09/07/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Điều này cho thấy một thị trường việc làm năng động và là dấu hiệu của một nền kinh tế khỏe mạnh, tạo nhân tố nâng cao chất lượng việc làm, Báo cáo “Tương lai việc làm Việt Nam và vai trò của thành phần kinh tế tư nhân” của Ngân hàng Thế giới (WB) trình bày tại Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững năm 2018 cho biết.

WB: Tốc độ tạo việc làm tại Việt Nam sẽ tăng dần - ảnh 1
Theo Báo cáo, 62% việc làm nhờ doanh nghiệp (DN) hiện có mở rộng hoạt động; 38% việc làm được tạo ra nhờ các DN mới. Ngoài ra, 8,9 triệu việc làm cũng đã bị mất đi do DN cắt giảm lao động, cùng 13 triệu việc làm mất đi do DN rời bỏ thị trường.

Những biến động về việc làm này là dấu hiệu về một nền kinh tế khỏe mạnh và có thể là nhân tố giúp nâng cao chất lượng việc làm, do việc làm ở những DN ít khả năng tồn tại hơn mất đi và được tái phân bổ sang những DN mới, có tiềm năng hơn.

Việc làm mới đến từ DNNVV mới và lĩnh vực xuất khẩu

WB: Tốc độ tạo việc làm tại Việt Nam sẽ tăng dần - ảnh 2

Báo cáo cho biết, phần lớn số việc làm thực tạo ra là nhờ các DN vừa và nhỏ (DNVVN) trong nước, nhưng chủ yếu là các DNVVN mới chứ không phải do DN cũ mở rộng hoạt động.

Điều này cho thấy, dù vẫn có những DN mới gia nhập thị trường nhưng không có sự tăng trưởng. Và trên thực tế, sau khi tham gia thị trường, chỉ có 6% số DN siêu nhỏ có thể tăng quy mô lên 10 lao động sau 5 năm hoạt động.

Cũng theo WB, lĩnh vực xuất khẩu đã, đang và sẽ tiếp tục là một nguồn tạo việc làm mới, tốt hơn, rộng mở hơn. Lĩnh vực này có ảnh hưởng tới gần 20 triệu việc làm của Việt Nam.

“Gần một nửa số việc làm trên nằm ở các DN nước ngoài và trong nước có hoạt động xuất khẩu, và một nửa còn lại nằm ở những DN cung cấp đầu vào, dịch vụ cho các DN xuất khẩu (bao gồm cả DN không có đăng ký, như hộ nông nghiệp)”, Báo cáo nhận định.

Chất lượng cao hơn thuộc lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ

Báo cáo cho biết, chuỗi giá trị nông nghiệp là một trong những số ít những chuỗi giá trị hoàn chỉnh ở Việt Nam, có mật độ làm việc cao, trong khi nông nghiệp quy mô nhỏ đang tham gia vào ngành chế biến nông sản ngày càng phát triển.

“Lĩnh vực này có tiềm năng phát triển, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam và các nước láng giềng như Trung Quốc đang tiếp tục quá trình đô thị hóa và chi tiêu càng tăng vào những giá trị nông sản cao”, theo WB.

Giảm rào cản và tạo lợi thế

WB: Tốc độ tạo việc làm tại Việt Nam sẽ tăng dần - ảnh 3
 Nguồn: Internet
Khuyến nghị chính sách đầu tiên mà Báo cáo đưa ra là giảm rào cản để khuyến khích các DNVVN thành lập, phát triển để tạo thêm việc làm, tăng chất lượng việc làm.

Đó là cải cách luật pháp, thông lệ; đơn giản hóa thủ tục hành chính đối với DN tham gia, rời bỏ thị trường để tạo hiệu quả, minh bạch về luân chuyển lao động; khuyến khích liên kết giữa DN FDI và DNVVN.

Tiếp đó, WB cho rằng các chính sách của Việt Nam cần khuyến khích DN dịch chuyển sang những công đoạn có giá trị hàm lượng tri thức cao của các chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu để tạo ra những việc làm tốt hơn.

Cùng với đó, tạo thuận lợi để hệ thống nông nghiệp-lương thực phát triển nhằm tạo ra những việc làm có mức lương cao hơn, an toàn hơn.

Để làm được điều này, Việt Nam cần giảm giá thành đầu vào và tạo thuận lợi về luân chuyển thông tin, thương mại đối với DNVVN để DN dễ dàng hội nhập vào hệ thống nông nghiệp trong nước và quốc tế.

Thông qua các hình thức đối tác công tư và giám sát công khai để tăng cường vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm và quản lý hệ thống lương thực.

Đối với thị trường trong nước, Việt Nam cần nâng cấp cơ sở hạ tầng thị trường lương thực - về vệ sinh, hậu cần, tiêu chuẩn-nhằm nâng cao giá trị gia tăng đối với các thị trường bán buôn, chợ tươi sống thành thị.

“Cần có chính sách khuyến khích để ngành lương thực đầu tư vào những đô thị ở gần vùng sản xuất nông nghiệp, từ đó, tạo thêm việc làm cho lao động dân tộc thiểu số”, Báo cáo chỉ rõ.