WB: Việt Nam nên “sửa nhà khi trời tốt“
Báo cáo Phát triển Việt Nam 2019 của WB với tiêu đề “Việt Nam-Kết nối vì phát triển và thịnh vượng chung”, cùng với báo cáo đầu vào “Việt Nam: Kết nối chuỗi giá trị nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh thương mại” được công bố vào thời điểm đặc biệt quan trọng khi Chính phủ Việt Nam đang xây dựng chiến lược phát triển mới trong 10 năm tới, thông qua Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2030.
Tăng trưởng gấp ba lần trung bình toàn cầu nhưng còn nhiều điểm nghẽn
Phát biểu tại Lễ công bố, ông Ousmane Dione - Giám đốc Quốc gia WB Việt Nam cho biết: Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, với tốc độ tăng trưởng ước tính 7% trong năm 2019, nhanh hơn gấp 3 lần so với mức trung bình toàn cầu. Thành tựu ấn tượng này có được là nhờ hai yếu tố chính, đó là tăng trưởng xuất khẩu và tăng trưởng nhu cầu nội địa từ các hộ gia đình, doanh nghiệp. Điều này cũng cho thấy tầng lớp trung lưu của Việt Nam đang phát triển nhanh chóng.
Với động lực tăng trưởng chính là xuất khẩu, chủ yếu từ khối FDI và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, một trong những yêu cầu đặt ra đối với Việt Nam là tăng cường hội nhập và kết nối thị trường nội địa để thúc đẩy sự phát triển liên tục và thịnh vượng chung cũng như để đảm bảo rằng bất kỳ sự suy giảm tiềm năng nào trong xuất khẩu đều có thể được bù đắp bởi nhu cầu trong nước cao hơn.
Theo ông Ousmane, chuỗi giá trị hiệu quả và kết nối là yếu tố thiết yếu đối với tăng trưởng kinh tế bền vững và bao trùm, bao gồm khả năng tiếp cận thị trường tốt hơn cho người nông dân và nguồn thực phẩm tốt hơn cho các hộ gia đình, nhất là ở khu vực đô thị cũng như khả năng tiếp cận hàng hóa và dịch vụ dành cho tầng lớp trung lưu đang gia tăng. Nguồn nhân lực có kỹ năng và thích ứng cũng sẽ đóng vai trò quan trọng để đảm bảo tính kết nối và cạnh tranh của nền kinh tế.
Cùng với đó, hệ thống giao thông nội địa của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào vận tải đường bộ, chiếm 3/4 tổng khối lượng hàng hóa. Việt Nam chưa tận dụng được mạng lưới sông ngòi tự nhiên rộng khắp do hệ thống cảng và bến thủy chưa phù hợp để đáp ứng khối lượng hàng hóa lớn hơn. Việc sử dụng phương thức vận chuyển hàng hóa trong container, cho phép vận chuyển đa phương thức hiệu quả, còn tương đối hạn chế. Mạng lưới đường sắt dài 2.600 km của Việt Nam vẫn còn khá lạc hậu.
Điểm nghẽn kết nối của kinh tế Việt Nam còn thể hiện rõ ở sự lạc hậu của chuỗi cung ứng, trong bối cảnh tầng lớp thượng lưu của Việt Nam ngày một gia tăng.
Báo cáo Phát triển Việt Nam 2019 của WB nhận định: Tại Việt Nam, mức độ lạc hậu của hệ thống giao thông và logistics trong nước so với nhu cầu ngày càng phức tạp từ tầng lớp tiêu dùng trung lưu. Thu nhập tăng lên đồng nghĩa với yêu cầu lớn hơn về các dịch vụ tiêu chuẩn cao như mức độ an toàn, đúng hẹn, độ tươi mới và truy xuất nguồn gốc với mức giá cạnh tranh.
Mặc dù nhu cầu của người tiêu dùng đã chuyển biến nhanh chóng nhưng chuỗi cung ứng lại hầu như không thay đổi. Phần lớn người tiêu dùng vẫn chủ yếu mua sắm tại các chợ truyền thống.
Tại Việt Nam hệ thống chuỗi cung ứng lạnh vận chuyển và lưu trữ thực phẩm dễ hỏng từ trang trại đến người tiêu dùng vẫn còn phân mảnh và chủ yếu phục vụ thị trường xuất khẩu. Điều này dẫn đến tình trạng thất thoát về thực phẩm, sự thất thoát này ước tính tương đương 2% GDP của Việt Nam, bên cạnh tỷ lệ mắc bệnh do thực phẩm cao và ô nhiễm môi trường.
Sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử cũng tạo ra nhu cầu ngày càng tăng đối với các loại hình dịch vụ logistics mới bao gồm kết nối nhận hàng, giao hàng tận nơi và giao hàng chặng cuối, đặc biệt là các bưu kiện cỡ nhỏ, giá trị thấp. Điều này đặt ra thách thức lớn hơn nữa cho các thành phố của Việt Nam vốn đã quá tải với tình trạng tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng và mật độ xây dựng cao.
Thêm một điểm nghẽn khác mà WB đưa ra là sự kết nối chặng cuối, đặc biệt là đến các cộng đồng dân tộc thiểu số và xa xôi như vùng núi phía Bắc và Tây Nguyên. Mục đích của kết nối phải gia tăng cơ hội kinh tế và chuỗi giá trị bao trùm nhằm đem lại lợi ích cho mọi người dân Việt Nam chứ không chỉ tầng lớp trung lưu.
Ông Ousmane Dione cũng cho rằng, giải quyết điểm nghẽn phải đồng thời với việc Việt Nam cần nâng cao khả năng chống chịu của mạng lưới và kết cấu hạ tầng giao thông trước những thách thức của biến đổi khí hậu.
“Sửa nhà khi trời tốt”
Thêm một lần nữa khẳng định khả quan về nền kinh tế Việt Nam - mây đen phủ lên nền kinh tế toàn cầu nhưng mặt trời vẫn đang tỏa nắng ở Việt Nam, tuy nhiên, Giám đốc Quốc gia WB Việt Nam cũng khuyến nghị: “Người ta cũng thường nói rằng bạn nên sửa nhà khi trời tốt”.
Ông Ousmane Dione cho rằng, để kết nối Việt Nam vì phát triển và thịnh vượng chung cũng như để đảm bảo rằng mặt trời vẫn tiếp tục tỏa sáng, Việt Nam cần giải quyết 3 vấn đề chính.
Thứ nhất là khai thác hợp lý kết cấu hạ tầng giao thông và cải thiện công tác phối hợp thay vì cạnh tranh lãng phí giữa các địa phương để sở hữu hạ tầng giao thông. Việt Nam có kết cấu hạ tầng giao thông tương đối tốt nhưng với dư địa tài khóa hạn chế hiện tại cho đầu tư cơ sở hạ tầng, Việt Nam cần khai thác hợp lý kết cấu hạ tầng giao thông hiện có, đơn cử như hệ thống cảng, song song với việc đẩy mạnh vận tải đa phương thức. Ngoài ra, cần khuyến khích và đưa ra các sáng kiến phối hợp thay vì cạnh tranh trong việc xây dựng và khai thác kết cấu hạ tầng giao thông giữa các địa phương.
Tiếp đó là hoàn thiện quy hoạch giao thông và quy hoạch không gian để hỗ trợ tốt hơn các chuỗi giá trị quan trọng nhằm tăng cường kết nối và hội nhập chuỗi giá trị trong nước và quốc tế. Việt Nam cần hài hòa tốt hơn mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh thương mại và tăng cường chuỗi giá trị với các mục tiêu cải thiện kết nối vì hiện tại chưa có chính sách hay chiến lược cụ thể nào về kết nối hướng tới thúc đẩy thương mại và quy hoạch/đầu tư vào giao thông.
Cuối cùng, Việt Nam cần cải thiện khả năng tiếp cận thị trường cho các khu vực kém phát triển thông qua kết nối với các trung tâm kinh tế bằng cách ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông và kỹ thuật số giúp tối đa hóa khả năng tiếp cận thị trường.