WTO: Các rào cản chính sách thương mại chiếm ít nhất 14% chi phí thương mại

15:27 | 05/05/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo WTO, ước tính các rào cản chính sách thương mại như thuế quan và các quy định chiếm ít nhất 14% chi phí thương mại.

Bộ phận nghiên cứu, thống kê thuộc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) lần đầu tiên công bố Chỉ số Chi phí Thương mại của WTO, ước tính các rào cản chính sách thương mại như thuế quan và các quy định chiếm ít nhất 14% chi phí thương mại.

Phòng Nghiên cứu và Thống kê Kinh tế (ERSD) cho biết, nghiên cứu này sử dụng ước tính chi phí thương mại song phương cho 43 nền kinh tế và 31 lĩnh vực từ năm 2000 đến năm 2018. Chỉ số chi phí thương mại của WTO (Trade Cost Index) cung cấp bảng phân tích chi tiết về chi phí thương mại cho cả hàng hóa và dịch vụ và nhóm nhà sản xuất và người tiêu dùng nào chịu chi phí này nhiều nhất.

WTO: Các rào cản chính sách thương mại chiếm ít nhất 14% chi phí thương mại - ảnh 1

Một Hội nghị của WTO tại trụ sở ở Geneva

Chỉ số này bổ sung cho các số liệu thống kê khác mà WTO cung cấp về chi phí thương mại, chẳng hạn như thuế quan trung bình hoặc số lượng các biện pháp phi thuế quan, và cho biết mức độ của các biện pháp này so với các yếu tố khác, chẳng hạn như chi phí vận tải và đi lại, thông tin và chi phí giao dịch, kết nối công nghệ thông tin - truyền thông và chất lượng quản trị.

Chỉ số này đo lường chi phí giao dịch quốc tế so với giao dịch trong nước và chỉ ra rằng chi phí xuất khẩu cao hơn đối với phụ nữ, các doanh nghiệp nhỏ hơn và lao động phổ thông.

Chỉ số này cũng cho thấy, các rào cản chính sách và sự khác biệt về quy định, bao gồm các rào cản thuế quan và phi thuế quan chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các chi phí thương mại khi các nền kinh tế có mức thu nhập thấp tiến hành trao đổi thương mại với nhau.

Các dữ liệu cũng thu hút sự chú ý đến tiềm năng cải tổ chính sách nhằm thúc đẩy thương mại giữa các nước đang phát triển. Trong khi đó, chi phí vận tải và đi lại chiếm phần lớn nhất trong các chi phí thương mại khi các nền kinh tế có mức thu nhập cao giao thương với nhau hoặc với các nền kinh tế có mức thu nhập thấp hơn.

Chỉ số này tìm hiểu sự phát triển của chi phí thương mại theo thời gian, cho thấy chi phí thương mại toàn cầu đã giảm 15% từ năm 2008 đến năm 2018. Về mặt xuất khẩu, mức giảm rõ rệt nhất được quan sát thấy ở các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) mới hơn như Latvia, Croatia, Bulgaria, Cyprus và Slovenia.

Tuy nhiên, chi phí thương mại tổng thể được cho là cao hơn đối với phụ nữ, các doanh nghiệp vừa và nhỏ và lao động phổ thông. Điều này được giải thích một phần là do sự tập trung của các nhóm này trong một số lĩnh vực nhất định như dịch vụ.

Chỉ số cũng cho thấy chi phí thương mại đối với dịch vụ cao hơn chi phí thương mại đối với hàng hóa nông nghiệp, trong khi chi phí thương mại đối với hàng hóa sản xuất là thấp nhất.

Chỉ số này sẽ tiếp tục được cập nhật để đánh giá chi phí của tình trạng không chắc chắn trong thị trường toàn cầu, bao gồm những chi phí do đại dịch COVID-19 tạo ra cũng như tìm hiểu những cách thức để đưa ra những ước tính kịp thời cho các chi phí thương mại, tương ứng với những diễn tiến trên thực tế của các biện pháp thương mại.

T.T

Xem thêm: Loạt chính sách ưu tiên của tân Tổng Giám đốc WTO