Ít nhất 22 quốc gia áp lệnh hạn chế xuất khẩu lương thực, WTO phải lên tiếng
Bà Okonjo-Iweala chia sẻ với báo chí tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ: “Chúng tôi đang cố gắng thuyết phục các thành viên WTO không cấm xuất khẩu hoặc hạn chế xuất khẩu lương thực thực phẩm. Chúng tôi không muốn điều này gây sức ép trầm trọng hơn với nguồn cung, làm giá tăng vọt".
Các bình luận của bà Okonjo-Iweala theo sau quyết định cùng ngày của Ấn Độ về việc áp hạn ngạch xuất khẩu đường ở mức 10 triệu tấn đến tháng 9 năm nay, sau lệnh cấm xuất khẩu lúa mì ít ngày trước đó. Những động thái này được dự báo có thể tạo ra biến động lớn trên thị trường toàn cầu, bởi Ấn Độ hiện là nhà xuất khẩu đường lớn thứ 2 trên thế giới chỉ sau Brazil. Các khách hàng lớn nhập khẩu đường từ Ấn Độ gồm Bangladesh, Indonesia, Malaysia và Dubai.
New Delhi cho biết quyết định này nhằm duy trì nguồn cung trong nước và ổn định giá cả thị trường đường nội địa. Thông tin đã kéo giá hợp đồng tương lai đường trên sàn hàng hóa London tăng 1% trong phiên 25/5.
Chiến sự Nga - Ukraine kéo dài từ cuối tháng 2 đến nay đã làm gián đoạn nguồn cung cấp phân bón, lúa mì và các mặt hàng khác từ cả Nga và Ukraine. Để đảm bảo nguồn cung trong nước, hiện có khoảng 22 quốc gia với 41 lệnh hạn chế hoặc cấm xuất khẩu đã được áp đặt đối với mặt hàng thực phẩm, bà Okonjo-Iweala cho biết.
Ngoài thực phẩm, Tổng giám đốc WTO cũng nhấn mạnh rủi ro thiếu hụt nguồn nguyên liệu đầu vào cho trồng trọt như hạt giống và phân bón.
"Vì lý do an ninh lương thực, các nước có thể kéo dài lệnh hạn chế trong một khoảng thời gian, nhưng việc thực hiện các biện pháp như vậy chỉ nên mang tính chất tạm thời trên cơ sở minh bạch và phù hợp”, bà Okonjo-Iweala nhấn mạnh rằng WTO hy vọng lời kêu gọi sẽ ngăn các nước thành viên thực hiện những lệnh cấm tương tự.
Bà Okonjo-Iweala cũng cho biết, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đang đàm phán nhằm mở hành lang thông qua Biển Đen cho phép nối lại xuất khẩu thực phẩm của Ukraine.
Xung đột quân sự tại Ukraine xảy đến trong thời điểm thị trường lương thực toàn cầu đối diện nhiều sức ép, cộng thêm những tác động của dịch COVID-19 khiến nguồn cung càng trở nên eo hẹp đẩy giá cả tăng vọt.
Tính từ đầu năm đến nay, giá lúa mì đã tăng hơn 60%. Sau lệnh cấm hôm 16/5 của Ấn Độ, giá lúa mì tiếp tục tăng khoảng 6% lên mức cao nhất trong hai tháng.