Xây dựng đội ngũ doanh nhân tư nhân lớn mạnh, thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh

Nhóm PV 21:05 | 02/04/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Phát biểu tại buổi gặp đoàn Doanh nhân tiêu biểu của Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam tại Trụ sở Chính phủ, chiều 2/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh cần xây dựng đội ngũ doanh nhân tư nhân lớn mạnh, để đất nước có thêm nhiều tỷ phú USD hơn nữa, góp phần thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh.

 

 Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Kháiphát biểu chỉ đạo tại buổi gặp đoàn Doanh nhân tiêu biểu của Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam - Ảnh N.T

 

Khu vực kinh tế tư nhân đã có sự chuyển mình mạnh mẽ

Tại buổi làm việc, PGS,TS Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam cho biết, thời gian qua, khu vực kinh tế tư nhân đã có sự chuyển mình mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế nước nhà.

Tuy nhiên trước những thách thức to lớn của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; những tác động của các yếu tố an ninh phi truyền thống, sự bất định trong đời sống kinh tế, chính trị thế giới; cùng với những tồn tại, hạn chế trong nội tại nền kinh tế đất nước chưa được khắc phục; tác động của hậu COVID-19,… đã tạo ra những bất lợi, khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế đất nước nói chung, cũng như khu vực kinh tế tư nhân nói riêng.

“Dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng; sự chỉ đạo điều hành, quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã không chỉ giúp cho cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp từng bước phục hồi và phát triển, mà còn củng cố niềm tin mạnh mẽ của cộng đồng doanh nhân đối với đường lối phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước, góp phần quan trọng trong quá trình xây dựng nền kinh tế hội nhập, tự chủ, xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng”, PGS,TS Nguyễn Trọng Điều nhấn mạnh.

PGS, TS Nguyễn Trọng Điều cho biết, sáng nay (2/4), Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam đã tổ chức thành công “Diễn đàn Kinh tế tư nhân lần thứ II”. Diễn đàn đã tập hợp nhiều ý kiến sâu sắc của đội ngũ doanh nhân, chuyên gia kinh tế,… để đóng góp cho các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác quản lý điều hành kinh tế thời gian tới.

PGS,TS Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam phát biểu tại buổi gặp mặt - Ảnh N.T

Doanh nghiệp tư nhân cần được đánh thức, khích lệ để khát vọng lớn

Tại buổi gặp mặt, đại diện các doanh nhân tư nhân tiêu biểu bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp chính quyền, phù hợp với quy mô và đặc thù của từng phân khúc doanh nghiệp; đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, quyết tâm phấn đấu đạt được mục tiêu đến năm 2025 cả nước có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn BRG chia sẻ tại buổi gặp mặt - Ảnh N.T

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn BRG khẳng định trong sự phát triển chung của nền kinh tế đất nước, các doanh nghiệp tư nhân đang từng ngày nỗ lực vươn lên về vốn, quản trị và tương tác.

Doanh nhân tư nhân bày tỏ mong muốn nhận được sự chỉ đạo, dẫn dắt, giúp đỡ của Đảng, Chính phủ cũng như chính quyền Trung ương và địa phương tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tương tác cả về thuế, về chính sách hỗ trợ, thủ tục đăng ký hành chính. Đặc biệt, có nhiều chính sách tạo môi trường phát triển bền vững cho cộng đồng doanh nghiệp, đảm bảo sự bình đẳng giữa vốn tư nhân và quốc doanh, là cơ sở tạo ra những bước tiến mang tính đột phá cho doanh nghiệp tư nhân.

“Chúng tôi đề xuất Chính phủ tham khảo các quốc gia như Nhật Bản, Singapore về các chính sách dành riêng cho các thương hiệu quốc gia mà các doanh nghiệp tư nhân đã xây dựng đạt được.

Hiện nay, các doanh nghiệp tư nhân có trào lưu “ngủ đông”, co cụm sản xuất, ngại cạnh tranh, không dám làm và nhiều doanh nghiệp băn khoăn trước nhiều lựa chọn. Vì vậy, để nền kinh tế phục hồi và phát triển mạnh mẽ, doanh nghiệp tư nhân cần được đánh thức, được khích lệ, dám nghĩ dám làm và có nhiều khát vọng lớn hơn”, bà Nga nói.

 Lại Thị Thu Hà – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dược phẩm y tế Việt Hưng phát biểu tại buổi gặp mặt - Ảnh N.T
 

Bà Lại Thị Thu Hà – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dược phẩm y tế Việt Hưng chia sẻ, "Là một doanh nhân tư nhân vừa và nhỏ, tôi rất vui mừng khi thấy Đảng, Nhà nước ngày càng ghi nhận vai trò của kinh tế tư nhân, và liên tục có những chủ trương, chính sách để tạo đường băng cho kinh tế tư nhân cất cánh, khai thông các nút thắt chính sách, kiến tạo môi trường kinh doanh ngày càng bình đẳng, lành mạnh".

Tuy nhiên, với đặc thù của một nền kinh tế đang phát triển, với đại đa số các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ và có lịch sử tồn tại chưa dài, lại phải bước chân vào một “Thế giới phẳng” vừa liên kết vừa cạnh tranh với các đối thủ toàn cầu; các DN Việt Nam, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ đang rất bối rối và cần sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước trong một chiến lược chung.

Các khó khăn mà DN vừa và nhỏ phải đối mặt không chỉ là bài toán vốn, tiếp cận đất đai, mà còn là sự thiếu hụt các thông tin về ngành, về thị trường trong và ngoài nước, về khoa học công nghệ, năng lực quản trị kinh doanh, chất lượng nhân lực.

TS Phan Hoàng Tuấn, Ủy Viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam, Trưởng Văn phòng đại diện miền Nam của Hội DNTNVN phát biểu tại cuộc gặp mặt - Ảnh N.T

TS Phan Hoàng Tuấn, Ủy Viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam, Trưởng Văn phòng đại diện miền Nam của Hội, Chủ tịch HĐQT Gia Thy Group cho rằng, các doanh nghiệp hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, áp lực đến từ tài chính.

Bởi vậy, Chính phủ cần thúc đẩy giải pháp tăng cường hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp; cung cấp các gói hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi, thúc đẩy thủ tục giải ngân nhanh chóng; giảm các loại thuế- phí, giảm các chi phí dịch vụ, vận chuyển để giúp doanh nghiệp giảm áp lực tài chánh giảm bớt gánh nặng chi phí…

Điều chỉnh triệt để và nhanh chóng hành lang pháp lý cho thị trường trái phiếu đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững; hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị áp lực về trái phiếu vượt  qua khủng hoảng và khó khăn để ổn định hoạt động.

Cùng với đó là tăng cường giám sát và điều tiết về tín dụng để tránh rủi ro tài chính cho toàn thị trường và cho doanh nghiệp. Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận thông tin về pháp lý; giảm thiểu thủ tục hành chính phức tạp.

Tăng cường quản lý và giám sát để đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh và có chính sách khuyến khích và hỗ trợ cho các doanh nghiệp kết nối, chuyển giao công nghệ; mở rộng thị trường trong và ngoài nước cho doanh nghiệp.

Ông Phạm Văn Việt, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam, TGĐ Công ty TNHH Việt Thắng Jean chia sẻ tại buổi gặp mặt - Ảnh N.T

Ông Phạm Văn Việt, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam, TGĐ Công ty TNHH Việt Thắng Jean mong muốn Chính phủ có thêm các chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp trung tâm, “đầu tàu” dẫn dắt kinh tế tư nhân trong chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để hướng đến phát triển bền vững.

“Chúng tôi mong Chính phủ thúc đẩy việc công khai, minh bạch về cơ hội, điều kiện đối với kinh tế tư nhân trong tiếp cận các nguồn lực quốc gia để phát triển kinh tế. Và quan trọng nhất chính là kiện toàn các chính sách kinh tế vĩ mô, tạo đòn bẩy để kinh tế tư nhân nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế”, ông Việt bày tỏ.

Ông Cao Tiến Đoan, Ủy viên thường vụ Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa nêu một số đề xuất tại buổi gặp mặt - Ảnh N.T

Ông Cao Tiến Đoan, Ủy viên thường vụ Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa đề xuất hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng cần thường xuyên rà soát, gỡ khó cho doanh nghiệp khi tiếp cận vốn của doanh nghiệp.

Hiện nay, công tác thẩm định tài sản thế chấp của các doanh nghiệp tư nhân khi thực hiện vay vốn còn chưa kịp thời, kéo dài thời gian giải ngân, gây khó khăn lớn cho doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp bỏ lỡ nhiều cơ hội kinh doanh.

Việc doanh nghiệp thực hiện thủ tục đăng ký biến động tài sản trên đất còn gặp nhiều khó khăn, kéo dài do sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa các đơn vị, sở ngành chức năng, khiến cho doanh nghiệp không vay được vốn theo đúng giá trị tài sản hiện có.

Quang cảnh buổi gặp mặt - Ảnh N.T

Loại bỏ quy định không phù hợp để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm và đánh giá cao vai trò của đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đây là lực lượng sản xuất vật chất chủ yếu của nền kinh tế Việt Nam, đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước qua các thời kỳ lịch sử của Cách mạng Việt Nam.

Chính nhờ chủ trương, đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, ngày hôm nay, Việt Nam đã trở thành nền kinh tế lớn thứ tư của ASEAN và thứ 40 của thế giới, quy mô thương mại quốc tế nằm trong TOP20 của thế giới (đạt gần 740 tỷ USD), là một trong những nền kinh tế được đánh giá là năng động và có độ mở cao nhất thế giới.

Đồng thời, chúng ta cũng có đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, đã có những đóng góp to lớn, quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên nhiều phương diện; là lực lượng chủ yếu, tiên phong tạo ra nhiều công ăn việc làm, sinh kế cho người lao động, qua đó, góp phần xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Hiện nay Việt Nam đã có gần 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó 870 nghìn doanh nghiệp ngoài nhà nước, chiếm gần 97% số doanh nghiệp của cả nước.

Đội ngũ doanh nhân tư nhân ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Các doanh nghiệp, doanh nhân tư nhân có mặt ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, hoạt động không chỉ trong nước mà nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đã gây được tiếng vang, khẳng định giá trị thương hiệu vươn tầm ra khu vực và thế giới.

Theo Phó Thủ tướng: Chúng ta cũng đã có những doanh nhân lọt vào nhóm các "tỷ phú USD". Đồng thời, xuất hiện một lực lượng doanh nhân trẻ, năng động, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, khởi nghiệp thành công các mô hình kinh doanh mới, sáng tạo.

Bên cạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, đội ngũ doanh nhân tư nhân cũng luôn thể hiện trách nhiệm xã hội, nhiều doanh nhân đã và đang tích cực tham gia các chương trình xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, chương trình vì cộng đồng, hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đặc biệt, khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đội ngũ doanh nhân dẫn nêu cao tinh thần chia sẻ, đồng hành cùng đất nước, vượt qua khó khăn, tự lực, tự cường, hỗ trợ lẫn nhau, nỗ lực thích ứng linh hoạt để duy trì sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động.

Đồng thời, phát huy truyền thống "chia ngọt, sẻ bùi", "tương thân, tương ái", cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp có nhiều hoạt động hỗ trợ người dân, cộng đồng, đóng góp lớn vào Quỹ vaccine phòng, chống COVID-19 và ủng hộ vật tư, trang thiết bị y tế cho các địa phương, thể hiện tinh thần trách nhiệm, nghĩa cử cao đẹp của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đối với đất nước, đối với Nhân dân.

Phó Thủ tướng cho biết, trong thời gian chống dịch chúng ta đã thành lập Quỹ vaccine.

"Có doanh nghiệp tư nhân đã đóng góp hơn 500 tỷ đồng cho Quỹ vaccine. Giúp cho Quỹ đạt gần 9000 tỷ đồng. Điều này có ý nghĩa rất lớn, giúp chúng ta sớm xử lý được tình huống, đưa các hoạt động kinh tế, xã hội của đất nước trở lại trạng thái bình thường", Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh

Đạt được những kết quả nói trên là nhờ chủ trương, đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân còn có sự góp phần của Hội doanh nhân tư nhân Việt Nam.

Hội đã tập hợp, đoàn kết hội viên, bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của hội viên, hỗ trợ nhau hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả, tạo công ăn việc làm cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.Xây dựng đội ngũ doanh nhân tư nhân phát triển cả về số lượng và chất lượng

Thời gian tới, tình hình thế giới dự báo diễn biễn rất phức tạp, khó lường. Ở trong nước, nhìn chung thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2030 nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến  năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao thì đòi hỏi phải tiếp tục xác định: Phát triển kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế, đội ngũ doanh nhân tư nhân là một trong những lực lượng nòng cốt, phải không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, có trách nhiệm với xã hội, người lao động, bảo vệ môi trường đưa đất nước phát triển bền vững.

Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh một số nội dung cần tập trung trong thời gian tới như sau:

Tiếp tục loại bỏ những quy định không còn phù hợp để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển

Trước tiên, về phía chính quyền các cấp cần tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng bộ máy hoạt động tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ tốt cho người dân, doanh nghiệp và sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phù hợp với bối cảnh, tình hình mới; loại bỏ những quy định không còn phù hợp, đặc biệt là tháo gỡ những điểm nghẽn có thể ảnh hưởng đến hoạt động, phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân. 

Ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, hiệu quả. Phát triển thị trường trong nước, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và các chuỗi cung ứng. 

Theo Phó Thủ tướng: Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam hiện nay gần gấp 2 lần GDP, với độ mở lớn như thế, những biến động bất lợi của thị trường bên ngoài có tác động rất lớn đối với nền kinh tế đất nước. Thực tế này, đòi hỏi Chính phủ và các bộ ngành phải đánh giá kỹ từng thị trường để có phản ứng kịp thời, hiệu quả. Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp cũng phải hết sức năng động, phản ứng nhanh,  sẵn sàng ứng phó với các biến động,... có như vậy mới đạt được các mục tiêu đề ra. 

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng sẽ tăng cường đối thoại, tham vấn ý kiến của doanh nghiệp. Luôn đồng hành, lắng nghe, chia sẻ và quyết liệt giải quyết, xử lý những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp. Kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

Đồng thời, Chính phủ cũng tiếp tục thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; tăng cường kết nối cung - cầu lao động, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tiếp cận các nguồn lực phát triển, nhất là nguồn lực đất đai. Tạo điều kiện để khu vực kinh tế ngoài nhà nước tham gia thực hiện các dự án, công trình, xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội theo hình thức hợp tác công - tư.

Khơi dậy nội lực, khuyến khích mạnh mẽ sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân trong nước, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghiệp chế tạo, công nghệ cao, công nghiệp công nghệ thông tin, hình thành các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế, bảo đảm chất lượng, quy định về truy xuất nguồn gốc. Tăng cường liên kết giữa khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, nhất là các tập đoàn đa quốc gia với doanh nghiệp trong nước trong phát triển chuỗi cung ứng của các ngành công nghiệp.Phối hợp hiệu quả để thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh

Thứ hai, đối với Hội doanh nhân tư nhân Việt Nam, Phó Thủ tướng đề nghị Hội tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích, điều lệ của Hội.

Chủ động, tích cực tham gia xây dựng pháp luật, chính sách, tăng cường phối hợp công tác hiệu quả với các cơ quan liên quan để thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Chủ động nghiên cứu, nắm bắt tình hình, đánh giá thời cơ, thách thức, xu hướng thị trường, đặc biệt là các xu thế mới về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, về phát triển bền vững, phát triển xanh; kịp thời chia sẻ, hướng dẫn, hỗ trợ tư vấn cho các hội viên.

Tăng cường sự liên kết giữa các doanh nghiệp hội viên; đại diện quyền lợi cho các hội viên của mình trong các quan hệ trong nước và quốc tế; làm cầu nối, vận động chính sách, duy trì đối thoại với Chính phủ và quan hệ với các cơ quan, tổ chức trong nước, nước ngoài.

Xây dựng doanh nghiệp tầm cỡ Khu vực và quốc tế, có nhiều doanh nhân tiêu biểu hơn nữa, nhiều tỷ phú USD hơn nữa.

 Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cùng đoànDoanh nhân tiêu biểu của Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam chụp ảnh lưu niệm - Ảnh N.T

Về phía các hội viên, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị các doanh nhân phát huy tinh thần dân tộc Việt Nam, bản lĩnh nghề nghiệp và đạo đức người kinh doanh, tuân thủ đúng pháp luật, quy định của Nhà nước trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Chủ động nắm bắt cơ hội, đồng thời có các phương án thích ứng với những biến động nhanh, khó lường hiện nay. Xây dựng chiến lược phù hợp với xu thế phát triển hiện nay là Chuyển đổi số, phát triển xanh, tuần hoàn, bền vững; chú trọng nâng cao giá trị thương hiệu; xây dựng uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường khu vực và quốc tế.

Chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp theo hướng quản trị hiện đại, tạo đột phá cho phát triển doanh nghiệp, góp phần thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh và hạnh phúc.

Nâng cao năng lực cạnh tranh trong sản phẩm, dịch vụ của mình, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước, xây dựng doanh nghiệp tầm cỡ Khu vực và quốc tế, có nhiều doanh nhân tiêu biểu hơn nữa, nhiều tỷ phú đô la hơn nữa.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị các doanh nghiệp, bảo đảm đầy đủ quyền lợi cho người lao động; đồng thời đầu tư cho ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Đồng thời, tiếp tục thể hiện trách nhiệm xã hội, tích cực tham gia các chương trình xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, chương trình vì cộng đồng, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.