Xây dựng Hòa Bình (HBC) muốn huy động nghìn tỷ trái phiếu

Lê Thị Thu Hà 08:48 | 04/02/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong chưa đầy 1 tháng, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã công bố hai nghị quyết vay tổng cộng tối đa 1.000 tỷ đồng trái phiếu.

Một dự án tại quận 7, TP HCM do HBC làm tổng thầu. (Ảnh minh họa: Minh Hằng).

CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Mã: HBC) vừa công bố nghị quyết phát hành đợt trái phiếu riêng lẻ tiếp theo với giá trị tối đa 500 tỷ đồng, kỳ hạn ba năm.

Trái phiếu là loại không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có bảo lãnh thanh toán từ Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank). Lãi suất dự kiến theo cố định hoặc thả nổi nhưng được doanh nghiệp công bố chi tiết.

Toàn bộ số tiền 500 tỷ đồng thu được nếu thành công sẽ dùng để tăng quy mô vốn các hoạt động kinh doanh gồm xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng, sửa chữa, lắp đặt máy móc thiết bị, kinh doanh bất động sản.

Trước đó hồi cuối năm 2021, HBC cũng công bố nghị quyết thông qua việc chào bán riêng lẻ tối đa 500 tỷ đồng trái phiếu với kỳ hạn hạn 5 năm, hình thức không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, được đảm bảo bằng cổ phiếu HBC của công ty.

Tính tới hết năm 2021, tổng nợ vay của Xây dựng Hoà Bình là 5.097 tỷ đồng, chủ yếu là từ các ngân hàng. Trong đó có 4.694 tỷ là vay ngân hàng ngắn hạn, 403 tỷ vay dài hạn. Dư nợ trái phiếu hết quý IV năm 2021 chỉ có 290 tỷ.

Mới đây, tập đoàn do ông Lê Viết Hải làm Chủ tịch đã đề ra mục tiêu tham vọng cho năm 2022 với mức doanh thu cao nhất từ trước tới nay.

Cụ thể, tập đoàn dự kiến doanh thu năm nay là 20.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 420 tỷ đồng. Dù doanh nghiệp chưa công bố kết quả kinh doanh năm 2021 song 20.000 tỷ đồng là con số doanh thu cao nhất từ trước tới nay của tập đoàn.

Trong khi đó mức lợi nhuận mục tiêu cho năm 2022 đã quay về mốc cao hơn con số đạt được của năm 2019 (406 tỷ) nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với năm 2018 (620 tỷ).

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, HBC thuộc nhóm dân dụng được đánh giá có khả năng hưởng lợi trực tiếp từ làn sóng đầu tư công của Chính phủ, hoặc gián tiếp từ tác động lan tỏa của chính sách này.

Ngoài ra, trong bối cảnh giá thép giảm, các công ty xây dựng có khả năng cải thiện tỷ suất lợi nhuận gộp vào năm 2022. Mặc dù biến thể COVID-19 có thể làm chậm lại các hoạt động xây dựng, nhưng tình hình được cho là sẽ không tồi tệ như trước đó nhờ tỷ lệ bảo phủ vắc xin cao ở các thành phố lớn.