Xét nghiệm COVID-19 hàng tuần cho người làm việc tại các chợ
Theo đó, Bộ Y tế hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố tùy theo tình hình thực tế tại địa phương, có kế hoạch/phương án phòng, chống dịch Covid-19 cho chợ. Tổ chức mua hàng tại chợ theo quy định một chiều (chiều vào, chiều ra khác nhau).
Tổ chức xét nghiệm Covid-19 bằng test nhanh kháng nguyên cho người quản lý, làm việc, bán hàng tại chợ hằng tuần. Xem xét áp dụng việc hướng dẫn cho các đối tượng tự thực hiện xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên tại điểm xét nghiệm.
Chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch tại các chợ trên địa bàn; dừng hoạt động ngay đối với những chợ không đảm bảo an toàn phòng, chống dịch theo qui định.
Đối với chợ phải tạo mã QR điểm kiểm dịch tại cửa vào chợ, yêu cầu người lao động/làm việc, người bán hàng, khách hàng phải khai báo y tế qua quét mã QR điểm kiểm dịch hoặc khai trên giấy hàng ngày khi vào chợ, thực hiện thông điệp 5K.
Tại khu vực cửa vào chợ, tổ chức đo thân nhiệt; thu, kiểm soát và quản lý thẻ vào chợ.
Các chợ cần bố trí phòng/khu vực cách ly tạm thời cho người lao động/làm việc, người bán hàng có một trong các biểu hiện mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở hoặc được xác định mắc bệnh; hoặc được xác định là F1 hoặc F2 khi đang làm việc tại chợ.
Trường hợp không thể bố trí phòng cách ly tạm thời phải được sắp xếp một khu vực cách ly tạm thời tách biệt hoàn toàn với các khu vực bán hàng trong chợ.
Bố trí và chỉ định khu vực giao nhận hàng hóa gần cửa ra vào chợ; hạn chế tiếp xúc giữa người giao hàng và người nhận hàng.
Hướng dẫn của Bộ Y tế cũng nêu rõ, khách hàng, người lao động/làm việc không đến chợ nếu có một trong các biểu hiện mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở hoặc đang trong thời gian cách ly tại nhà theo yêu cầu của cơ quan y tế.
Người lao động/làm việc, người bán hàng thực hiện khai báo y tế hàng ngày khi đến chợ để làm việc. Khách hàng thực hiện khai báo y tế khi đến chợ mua hàng.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 248/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp về nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, thử nghiệm lâm sàng sản xuất thuốc, vaccine, sinh phẩm phòng, chống dịch COVID-19.
Thông báo nêu rõ, trước tình hình diễn biến dịch bệnh COVID-19 còn phức tạp, quy mô dân số nước ta gần 100 triệu người, trong khi dịch đã lây nhiễm cộng đồng,... chúng ta cần chủ động chuẩn bị để tiến tới chung sống an toàn với virus SASR-CoV-2.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế quan tâm, hỗ trợ hơn nữa đối với các đơn vị nghiên cứu vaccine phòng COVID-19 trong việc hoàn thiện, bổ sung hồ sơ gửi Hội đồng đạo đức, Hội đồng cấp phép của Bộ Y tế cho ý kiến để xem xét việc cấp phép khẩn cấp, trước mắt là vaccine Nanocovax; xin ý kiến các thành viên của 2 Hội đồng trong việc khuyến nghị đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về vaccine phòng COVID-19, nhất là vaccine cho trẻ em, phương án phối trộn các loại vaccine, kế hoạch sử dụng vaccine năm 2022.
Đồng thời, Bộ Y tế hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp sớm hoàn thành quy trình thử nghiệm thuốc kháng virus Molnupiravir, khẩn trương báo cáo về vấn đề bản quyền đối với loại thuốc này; có phương án bảo đảm sẵn sàng số lượng thuốc điều trị đáp ứng các tình huống bệnh nhân COVID-19 tăng cao.
Hỗ trợ, đẩy nhanh tiến độ thử nghiệm lâm sàng, đánh giá hiệu quả của thuốc Vipdevir có nguồn gốc thảo dược do Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam nghiên cứu sản xuất.
Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị trong nước tiếp tục nghiên cứu thuốc có tác dụng bổ trợ cho bệnh nhân COVID-19, hình thành gói hỗ trợ không cần chỉ định của bác sỹ.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ khoa học và Công nghệ và các cơ quan liên quan hỗ trợ các doanh nghiệp sớm sản xuất test nhanh kháng nguyên đạt hiệu quả trên nhiều chủng của virus SARS-CoV-2 với tinh thần "sớm nhất, tiện dụng nhất".
Chỉ đạo các doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ phát triển test nhanh kháng thể và sinh phẩm định lượng kháng thể kháng SARS-CoV-2 để sản xuất đáp ứng nhu cầu xét nghiệm kháng thể đối với người đã tiêm vaccine, đã nhiễm COVID-19 để quy định tiêu chí trong việc xác định tình trạng bình thường mới.
Phó Thủ tướng giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế kiểm tra, thẩm định chất lượng Hệ thống tạo oxy di động do Trường Đại học Bách Khoa chế tạo.
Bộ Y tế xây dựng hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn nữa trong việc xác định tiêu chí "vùng đỏ", "vùng vàng", "vùng cam", "vùng xanh" với tinh thần "gọn nhất có thể" đối với "vùng đỏ", "vùng vàng" để làm cơ sở cho các địa phương quyết định quy mô, tần suất xét nghiệm COVID-19.
Ngày 17/9/2021, Bộ Y tế đã có quyết định số 4471/QĐ-BYT ngày 17/9/2021 về việc phê duyệt có điều kiện vaccine cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Vaccine Abdala được phê duyệt theo quy định tại Điều 67 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08/5/2012 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật dược.
Theo văn bản, vaccine này sản xuất thành phẩm tại Công ty AICA Laboraries, Base Business Unit (BBU) AICA – Cuba và được xuất bán thành phẩm, đóng gói cấp 2 tại Trung tâm Kỹ thuật Di truyền và Công nghệ Sinh học (CIGB) – Cuba.
Tại Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu, Sản xuất Vaccine và Sinh phẩm Y tế (POLYVAC) là nơi đề nghị phê duyệt vaccine này.
- Vaccine Abdala mỗi liều 0,5ml chứa 50 mcg vaccine protein tái tổ hợp chứa vùng liên kết với thụ thể (RBG) của vi rút SARS-CoV-2, bào chế ở dạng hỗn dịch tiêm bắp.
- Vaccine được đóng gói hộp 10 lọ, mỗi lọ chứa 10 liều, mỗi liều 0,5ml.
Bộ Y tế cũng quy định các điều kiện đi kèm việc phê duyệt Abdala cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19.